Để có cơ sở cho áp dụng các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước, trong chiến lược phát triển ngành ôtô, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với linh kiện, phụ tùng ôtô.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng điều chỉnh các chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây được xem là giải pháp cho ngành công nghiệp sản xuất ôtô trong nước.
Hiện nay, các nhà sản xuất ô tô Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn các loại linh kiện. Cùng với đó, doanh nghiệp còn phải đóng mức thuế nhập khẩu linh kiện khá cao, từ 15-18%. Đây là lý do khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia.
Sau năm 2018, khi thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm về 0%, các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đối với dòng sản phẩm nhập từ Thái Lan và Indonesia vốn có lợi thế cạnh tranh về chi phí. Trước thực trạng này, một số doanh nghiệp sản xuất trong nước đã đề xuất việc hỗ trợ nhằm cắt giảm chi phí và duy trì sản xuất tại Việt Nam.
Cụ thể, thay đổi giá tính thuế với xe sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng đến 31/12/2022 và không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện, phụ tùng nội địa hóa nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước…
Ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, một trong những doanh nghiệp lớn đang tham gia sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước cũng như cung cấp các linh kiện, sản phẩm cho các hãng như Honda, SYM... cho rằng, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những chi tiết mà Việt Nam sản xuất được là giải pháp rất lớn cho ngành công nghiệp sản xuất ôtô trong nước; giúp giá thành sản xuất xe trong nước giảm đi và đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước cạnh tranh được với các nhà sản xuất xe từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo ông Chuyện, việc cạnh tranh về giá cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tăng tỷ lệ nội địa hóa các chi tiết, sản phẩm đối với ôtô./.
Nguồn VOV