Đầu tư công trình mang tầm vóc khu vực
Sau Công viên Lam Sơn, nhóm bạn trẻ tiếp tục di chuyển qua khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ để săn ảnh. “Tôi nghĩ không gian này có thêm các hoạt động lễ hội, kết hợp các yếu tố văn hóa, giải trí, thể thao định kỳ sẽ rất tuyệt, không chỉ thu hút giới trẻ hay người dân thành phố mà có thể làm điểm nhấn, tạo ấn tượng để khách du lịch có thể quay trở lại. Tôi từng đi Thái Lan và thấy lễ hội té nước của họ là một điển hình, thu hút khách du lịch rất hiệu quả mà lại tôn vinh văn hóa. Ở TPHCM, có lần, tôi tham gia một lễ hội âm nhạc ở phố đi bộ, không gian rất trẻ, hào hứng và lôi cuốn, nhiều bạn bè của tôi tham dự đến ngày thứ hai, thứ ba của lễ hội âm nhạc. TPHCM cần thêm nhiều lễ hội mang tính hội nhập như vậy. Nếu có thêm không gian cho công viên kết hợp phố đi bộ, quảng trường sẽ thu hút nhiều người đến giao lưu, vui chơi hơn”, Minh bày tỏ. Cảm nhận của một bạn trẻ sinh sống và làm việc ở TPHCM như Trần Ngọc Minh, cũng nói lên sự cần thiết của những không gian văn hóa, nhất là các không gian, hoạt động ngoài trời ở thành phố.
Trong các mục tiêu mà Đảng bộ TPHCM hướng tới ở nhiệm kỳ 2020-2025, có đặt ra nhiệm vụ: “Xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật, thể thao lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân; tập trung đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa tiêu biểu, mang tầm vóc khu vực…”. Do vậy, việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất các nhà hát, rạp hát đủ chuẩn, chất lượng, hiện đại, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tổ chức biểu diễn, quảng bá và phát triển nhiều loại hình nghệ thuật, trở thành điểm hẹn văn hóa cho người dân thành phố, chính là một trong những vấn đề tiên quyết. Tất cả nhằm xây dựng một nền văn hóa nghệ thuật mang tầm vóc đúng như mong muốn, đáp ứng được nhu cầu khán giả.
Theo NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc Vũ kịch TPHCM (HBSO), nhìn lại thực tế tại TPHCM, khán giả không có nhiều nhà hát để đến xem, thưởng thức các chương trình nghệ thuật. Để giải quyết đến nơi đến chốn vấn đề này, cũng đã có nhiều dự án được đề ra: Dự án xây dựng rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ tại quận 11, đến nay chưa khởi công; HBSO đang tiếp tục tiến hành từng bước để có thể xây dựng nhà hát trong tương lai. Với rạp Hưng Đạo hiện tại, việc xây dựng không đáp ứng được công năng hoạt động tổ chức biểu diễn của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nên nhanh chóng có sự chuyển đổi làm sao cho phù hợp. Hiện đã có ý tưởng đưa đơn vị Trung tâm Văn hóa TPHCM về rạp Hưng Đạo, Nhà nước đầu tư xây dựng một nhà hát phù hợp với yêu cầu biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tại rạp Olympic cũ (97 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1)...
NSƯT Trần Vương Thạch đề xuất: Vấn đề cơ sở vật chất cho văn hóa nghệ thuật thành phố cần có sự xoay chuyển sao cho phù hợp với nhu cầu, điều kiện thành phố đang có. Việc đầu tư xây dựng các nhà hát cũng rất cần có sự chung tay hợp sức của các doanh nghiệp với tiêu chí hai bên cùng có lợi: Nhà nước đầu tư xây dựng nhà hát, doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư, kiến tạo một không gian dịch vụ giải trí, thư giãn hoàn thiện và hiện đại để đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Giữ gìn bản sắc văn hóa người TPHCM
Xây dựng môi trường văn minh ở ngoài xã hội, bao gồm cả môi trường thực tế ngoài cộng đồng và môi trường trên mạng xã hội, phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức của mỗi người dân. TS Phạm Thị Thúy, chuyên gia tâm lý, nhận định: “Người có đạo đức, biết yêu thương người khác, biết vì người khác, biết nhường nhịn lẫn nhau thì ra đường, với một vài va quẹt sẽ không tạo nên mâu thuẫn, xung đột. Nhưng nếu ích kỷ, chấp nhặt lẫn nhau, bất chấp vì lợi ích riêng mình thì sẽ khó mà cư xử nhân văn, văn hóa ở môi trường công cộng”.
Theo TS Phạm Thị Thúy, xây dựng văn hóa là điều mà TPHCM rất coi trọng, nhất là khi thành phố đang thực hiện đề án Xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong đó, văn hóa và tính nhân văn liên quan đến hạnh phúc. Có nhân văn, văn hóa mới có được hạnh phúc. Ở đây chính là đối xử với nhau bằng tình người, cụ thể là lòng thương, tình thương. Trong gia đình mà không có kỹ năng ứng xử một cách đúng mực giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, ông bà và các cháu… thì rất khó có được hạnh phúc bền vững. Tình thương chưa đủ, mà còn phải biết cách thể hiện tình thương đó qua kỹ năng giao tiếp hàng ngày. Phải đối xử với nhau dựa trên sự tôn trọng, nhường nhịn, chia sẻ, biết quan tâm, lắng nghe… “Đặc biệt, cái gốc quan trọng nhất để xây dựng một môi trường văn hóa, nhân văn luôn luôn từ gia đình. Có tình yêu thương con người được giáo dục từ sớm trong gia đình rồi mới tới nhà trường, ra xã hội ứng xử có tình người. Ba môi trường này tác động lẫn nhau và rất quan trọng”, TS Phạm Thị Thúy chia sẻ.
Con người TPHCM lâu nay luôn khẳng khái, bao dung và cư xử rất nghĩa hiệp, hào phóng. Ai từ vùng miền nào đến đây cũng có điều kiện để lập thân, lập nghiệp. Đó là nét rất đẹp trong văn hóa ứng xử của con người, vùng đất TPHCM. “Cho nên, tất cả những đặc trưng tốt đẹp hiện có của người TPHCM là quá trình từ mấy trăm năm nay và được lưu giữ, phát huy. Những đặc trưng văn hóa, tính cách con người thành phố năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình… nói lên tính chất hào sảng của người dân thành phố, và cũng là cách người dân mảnh đất này đối đãi với bạn bè khắp mọi miền Tổ quốc”.
Và trong quá trình hội nhập văn hóa hiện nay, vấn đề giữ được bản sắc luôn được đặt ra hàng đầu. Theo diễn viên Trần Nghĩa, một nghệ sĩ trẻ, thách thức lớn nhất trong quá trình hội nhập dòng chảy văn hóa nghệ thuật đương đại là làm sao vừa tạo ra giá trị nhân văn cho xã hội, đồng thời vẫn giữ được bản sắc dân tộc riêng biệt. Với những thách thức như trên, Trần Nghĩa cho rằng, điều đầu tiên những người trẻ cần làm là phải có đam mê, học tập và rèn luyện thì mới thích ứng cũng như theo kịp sự chuyển động của hội nhập văn hóa.
Theo báo SGGP