Nguồn gốc của phương pháp chế biến kim chi ban đầu chỉ là một cách mà người Hàn Quốc và Triều Tiên bảo quản rau của họ trong mùa đông. Qua thời gian, món ăn này giờ đã phát triển và được “biến tấu” thành hàng trăm loại khác nhau, nhưng hầu hết chúng đều có vị cay, từ ít cay cho đến cay nồng và trở thành một phần quan trọng trong mỗi bữa ăn của người dân. Do đặc điểm về khí hậu và văn hóa, nên kim chi của Hàn Quốc thường có vị mặn hơn kim chi của Triều Tiên nhưng nhìn chung chúng đều được chế biến từ cải thảo, củ cải thái lát cùng các gia vị như ớt, tỏi… Trước khi những thứ này được trộn với nhau, lá cải cần được ngâm nước muối trong 24 tiếng để làm mềm. Sau khi trộn, kim chi sẽ được cho vào thùng nhựa để lên men. Ở một số vùng nông thôn, các thùng kim chi còn được chôn dưới đất. Sau một tuần, kim chi bắt đầu có thể ăn được và nó sẽ có hương vị ngon nhất sau một tháng.
Kim chi là một trong những món ăn truyền thống của đất nước Hàn Quốc và Triều Tiên, có mặt trong hầu hết các bữa ăn và là thành phần không thể thiếu của nhiều món ăn khác. Tại Việt Nam cũng có rất nhiều người ưa chuộng món ăn này tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn được vị cay của Kim chi Hàn Quốc, cùng với sự giao lưu và hội nhập của các nền văn hóa trên thế giới, dần dần món ăn này đã được “Việt hóa”, thay đổi một số gia vị để phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam. Màu sắc bắt mắt, cùng vị chua chua, cay cay của kim chi tạo cảm giác "kích thích" bữa ăn ngon miệng hơn. Kim chi được dùng như món ăn kèm trong bữa ăn hằng ngày, ăn cùng đồ nướng hoặc mỳ tôm, bún miến đều rất ngon, hoặc cũng có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như lẩu kim chi, canh kim chi, cơm chiên kim chi…
Tạp chí Health Magazine của Mỹ đã từng gọi kim chi là “1 trong 5 thực phẩm có lợi cho sức khỏe nhất” của thế giới, với khẳng định rằng, món ăn này giàu vitamin, giúp tiêu hóa tốt.
Cải thảo là nguyên liệu chính làm nên món kim chi
Không chỉ đơn thuần là món ăn mang lại cảm giác ngon miệng mà kim chi còn là một món ăn chứa ít calo, giàu chất xơ. Vì thế nó giúp cho quá trình tiêu hóa trong cơ thể diễn ra dễ dàng và nhanh hơn. Với nguyên liệu là củ cải trộn bắp cải và dưa chuột muối, kim chi là món ăn chứa nhiều vitamin nên nó cũng góp phần chữa rất nhiều bệnh thông thường của cơ thể. Bên cạnh đó, kim chi cũng có thể được sử dụng để giảm cân, nếu ăn hàng ngày thậm chí nó có thể giúp giảm huyết áp…
Chính vì lợi ích, cũng như sự hấp dẫn của món kim chi mà thời gian gần đây, kim chi trở thành món ăn được nhiều người Việt Nam ưa chuộng. Cách làm kim chi cũng rất đơn giản, nên nhiều người có thể tự mua nguyên liệu về sau đó chế biến tại nhà, trong khi đó, nhiều gia đình bận rộn có thể chọn những địa chỉ uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để mua về thưởng thức. Đặc biệt mâm cơm trong ngày Tết thường nhiều thịt, bánh và những món ăn nhiều dầu mỡ, dễ ngán, vì thế một số món muối như dưa muối, hành muối hay kim chi… lại trở thành “đặc sản” chống ngán hiệu quả. Bởi vậy, lượng người đặt mua kim chi ngày Tết thường đông gấp đôi, gấp ba lần ngày thường.
Bà Phạm Thị Dược (Tân Mai, Hà Nội) - đầu bếp có nhiều năm kinh nghiệm làm kim chi trong bếp ăn của một công ty du lịch cho hay: “Bình thường nhà tôi vẫn làm kim chi bán cho khách qua mạng. Năm nay, gần Tết, số lượng khách đặt hàng kim chi tăng đột biến nên tôi phải huy động thêm người làm mới phục vụ xuể”. Bà Dược cho biết, bình thường, gia đình bà bán được khoảng 40kg kim chi mỗi ngày. Thế nhưng những ngày gần Tết, chỉ trong 2 tuần, bà đã nhận đến hơn 800 kg kim chi do khách hàng đặt với giá 80.000 đồng/kg.
Hiện nay, món kim chi truyền thống đã có tên trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Riêng tại đất nước Hàn Quốc, các lễ hội kim chi khổng lồ thường xuyên được tổ chức. Đây được xem như một cách để quảng bá món ăn truyền thống này ra thế giới. Hãy cứ thử tưởng tượng xem, nếu có đĩa kim chi đặt cạnh những món ăn “sơn hào hải vị” trong mâm cơm ngày Tết, chắc hẳn niềm vui sẽ tròn đầy và thú vị hơn nhiều. Cái cảm giác cắn miếng kim chi giòn dai, cay nồng với vị thơm đặc trưng sẽ làm cho con người ta có cảm giác quên đi không khí rét buốt trong những ngày đầu xuân.
Nguyễn Hoa