Thứ Hai, 25/11/2024 11:44:35 GMT+7
Lượt xem: 918

Tin đăng lúc 18-12-2020

Kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt xấp xỉ 493 tỷ USD bất chấp những ảnh hưởng của dịch COVID-19

Với quy mô và tốc độ tăng trưởng cao những tháng gần đây, nhiều khả năng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 sẽ đạt khoảng 540 tỷ USD, cao hơn khoảng 23 tỷ USD so với năm 2019 (năm 2019 đạt 517,26 tỷ USD), một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh phải chịu tác động rất lớn từ đại dịch COVID-19.
Kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt xấp xỉ 493 tỷ USD bất chấp những ảnh hưởng của dịch COVID-19

Theo thông tin Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, trị giá xuất khẩu tháng 11 đạt hơn 25 tỷ USD, giảm 7,4% so với tháng 10. Trong khi đó, trị giá nhập khẩu đạt 24,7 tỷ USD, tăng 1,5%. Tuy nhiên, tính chung trong 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt xấp xỉ 255 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2019. Qua đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đến ngày 15/12 đạt xấp xỉ 493 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất siêu tiếp tục duy trì ở mức kỷ lục khoảng 20 tỷ USD.

 

Hiện có hàng chục nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó riêng nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 49,909 tỷ USD. Ngoài ra, có 4 nhóm hàng chủ lực đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 34 tỷ USD; dệt may đạt 31,1 tỷ USD; giày dép đạt 17,33 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng gần 17,33 tỷ USD.

 

Các nhóm hàng nhập khẩu lớn như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 49 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt gần 34,8 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt gần 14 tỷ USD; ô tô tính đến trung tuần tháng 12, cả nước nhập 100.600 xe dưới 9 chỗ ngồi, kim ngạch gần 1,93 tỷ USD; trong khi đó, dòng xe tải đạt 29.850 xe, tổng kim ngạch 743 triệu USD…

 

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt thị trường. Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành đàm phán 16 FTA, trong đó 13 FTA đã có hiệu lực. Cho nên, trước mắt phải lấy thị trường để định hướng cho sản xuất và sản xuất theo tín hiệu thị trường, tận dụng tốt các thị trường có FTA nhằm tăng cơ hội miễn giảm thuế, nâng sức cạnh tranh hàng hóa. Ngoài ra, phải tăng cường thâm nhập các thị trường mới, chưa có FTA nhưng có nhiều mặt hàng chưa bị giới hạn bởi số lượng nhập khẩu và chưa bị ảnh hưởng hàng rào kỹ thuật. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục, cải cách thủ tục hành chính, cập nhật thị trường và tính toán cụ thể dung lượng của từng thị trường, thị hiếu với từng mặt hàng cụ thể, từng đối thủ cạnh tranh tạo thuận lợi tối đa cho DN trong xuất nhập khẩu sao cho tiếp cận thị trường nhanh nhất.

 

Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: Mặc dù dịch bệnh kéo dài, các DN trên địa bàn cũng đã thích ứng rất là nhanh, đã có những dịch chuyển phương thức phù hợp hơn trong việc thương thảo để cố gắng tìm hiểu thị trường cho xuất nhập khẩu của mình, bằng hình thức trực tuyến.

 

 

Các sản phẩm linh kiện, điện tử của các DN ở Khu công nghiệp công nghệ cao cũng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao, tăng 20% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Nếu như trước đây các nhà máy sản xuất các sản phẩm linh kiện, điện tử chỉ hoạt động khoảng 80% công suất thì nay phải nâng thêm 20% công suất để đáp ứng các đơn hàng đang tăng cao. Ngoài các sản phẩm gỗ và linh kiện, điện tử, còn có sự góp mặt của các mặt hàng gạo, rau củ quả, phụ tùng, máy móc…

 

Theo ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc Công ty Nội ngoại thất Viet Products cho hay: Do ảnh hưởng dịch COVID-19, trong khi nhiều DN khác phải cắt giảm nhân lực thì DN xuất khẩu đồ gỗ nội thất Viet Products phải tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng đơn hàng vì từ tháng 8 trở đi, doanh nghiệp nhận được rất nhiều đơn hàng mới. Ngoài đơn hàng truyền thống từ thị trường châu Âu, DN còn nhận thêm nhiều đơn hàng mới từ thị trường Mỹ, từ đó đưa doanh số DN tăng lên 30%.

 

Trong 11 tháng qua, tình hình xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh đang có mức tăng trưởng khá, giá trị xuất khẩu đạt hơn 40 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Nhờ những giải pháp chống dịch hiệu quả, hỗ trợ kịp thời, tận dụng triệt để các ưu đãi của FTA, các DN đã nhanh chóng hoạt động trở lại. Đáng chú ý là các DN xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU).

 

Theo các chuyên gia kinh tế phân tích, mặc dù trước khi triển khai EVFTA, nhiều người lo ngại EVFTA sẽ không mang lại hiệu quả tích cực ngay lập tức như mong đợi, lý do là sự sẵn sàng của DN chưa tốt. Tuy nhiên sau vài tháng triển khai, tỷ lệ DN biết để áp dụng FTA này vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có tác động tốt cho DN. Hiện có vài chục nghìn bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp để tận dụng ưu đãi từ EVFTA, cùng với việc CPTPP cũng được tận dụng tương đối hiệu quả.

 

Có thể nói, xuất nhập khẩu Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao trong thời gian qua, DN Việt đã khai thác, tận dụng tối ưu các Hiệp định thương mại tự do, đã thâm nhập sâu, rộng tại các thị trường chủ lực như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và đem lại hiệu quả cho nền kinh tế đất nước.

 

Công Vinh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang