Nếu trước Tết Đinh Dậu, chị Hạnh (cửa hàng Hồng Hạnh – Long Biên, Hà Nội) vẫn hy vọng sẽ có thêm một vài đợt lạnh để bán được số quần áo rét còn tồn kho, thì ra Tết, hy vọng đó gần như tắt hẳn, khi thời tiết luôn giữ ở mức nhiệt từ 20-25 độ C. Quần áo rét đã treo biển hạ giá 30%, 50% và giờ là 70% nhưng vẫn không có khách hỏi mua. “Đầu mùa, nghe dự báo trời không lạnh nhiều, tôi đã từ chối nhập quần áo đại hàn, nhưng ngay cả những sản phẩm áo dạ, áo phao mỏng cũng tiêu thụ rất chậm. Nghĩ tới gần 200 triệu đồng tiền hàng tồn kho mà đứt ruột” – chị Hạnh than thở.
Không chỉ những cửa hàng nhỏ như của chị Hạnh mà cả các hãng thời trang lớn như Nem, Ivy Moda, Pantino… cũng ế ẩm không kém. Trước Tết, giá các sản phẩm áo len, dạ dày của các hãng thời trang này đã sale 50 - 70% nhưng người xem thì nhiều, người mua vẫn thưa thớt. Chị Yến - nhân viên bán hàng tại cửa hàng thời trang Ivy Moda - cho biết, mùa đông năm ngoái, khách hàng vào mua 4-5 cái áo len, dạ là bình thường, năm nay rất ít người mua các sản phẩm này, nếu có cũng chỉ mua 1-2 cái để dự phòng. Giá đã hạ tới mức thấp nhất từ trước đến nay, nhưng cũng không có mấy người hứng thú mua vì thông tin “nhiệt độ trung bình đang ấm dần lên” khiến nhiều người lo ngại sẽ không còn cơ hội để mặc đến những chiếc áo rét dày như thế. Cùng với quần áo đại hàn, mặt hàng khăn, mũ len, găng tay cũng có một mùa vụ u ám khi mà sản phẩm được rất ít khách hỏi thăm. Những đôi găng tay và khăn, mũ len này… đầu mùa đông còn niêm yết giá 200.000 đồng/cái, nay hạ xuống đồng loạt 39.000 và 72.000 đồng/cái mà sức mua vẫn không tăng.
Chung cảnh ngộ với sản phẩm quần áo, khăn mũ đại hàn là các cửa hàng chăn, ga gối, đệm. Giữa mùa đông mà sản phẩm bán chạy chủ yếu vẫn là chăn thu. Nhiều hãng có chương trình giảm giá chăn bông kéo dài cả mùa đông mà hàng vẫn khó tiêu thụ. “Theo dõi sát diễn biến thời tiết nên công ty chúng tôi tập trung vào sản xuất các sản phẩm chăn mỏng thay vì chăn bông dày như mọi năm, nên việc tiêu thụ cũng đỡ khó khăn hơn một số nhãn hãng chăn gối khác” – nhân viên thương hiệu chăn - ga - gối Everhome chia sẻ.
Đèn sưởi, quạt sưởi cũng là mặt hàng được mua nhiều mỗi khi đông tới. Tuy nhiên, mùa đông năm nay, các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này héo hon vì nhiệt độ thường xuyên cao trên 15 độ C, nhu cầu sử dụng đèn sưởi và quạt sưởi rất ít. Bất chấp những tính năng liên tục được cải tiến (tiết kiệm điện, sưởi ấm nhanh, không khô da, an toàn cho người già và trẻ nhỏ), quạt sưởi, đèn sưởi các loại vẫn chỉ bán túc tắc. Tại nhiều cửa hàng điện máy lớn, thay vì được trưng bày ở những vị trí bắt mắt, nay quạt sưởi, đèn sưởi chỉ bày ở vị trí khá khiêm tốn và giảm giá không cần chờ đến ngày lễ, Tết.
Với các cửa hàng điện máy trên các phố Nguyễn Lương Bằng, Cầu Giấy (Hà Nội), các loại quạt sưởi, đèn sưởi không còn bày tràn lan ra đường như một vài năm trước, thay vào đó là các loại máy hút ẩm, làm sạch không khí. “Hàng sưởi có đủ, nhưng ít người hỏi nên không bày nhiều. Trời cứ ấm áp như thế này, “ôm” hàng quạt sưởi mùa đông coi như lỗ nặng. Chịu bán lỗ đấy, nhưng có khách hỏi mua đâu…” – một chủ hàng điện máy trên phố Nguyễn Lương Bằng than thở.
Câu ca dao “Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” vốn dành cho những người làm nông nghiệp. Tuy nhiên, với những người kinh doanh các sản phẩm theo thời vụ, giờ đây có lẽ cũng nên lưu ý đặc biệt đến những thông tin thời tiết, khi mà biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống, trong đó có nhu cầu sử dụng hàng hóa của đông đảo người tiêu dùng.
Nguồn Báo Công Thương