Thứ Hai, 21/04/2025 23:20:56 GMT+7
Lượt xem: 1284

Tin đăng lúc 27-02-2023

Kinh tế Báo chí: Cơ chế và giải pháp

Ngày 24/2, tại TP Quy Nhơn, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024” và chương trình công tác năm 2023 của Bộ TT&TT.
Kinh tế Báo chí: Cơ chế và giải pháp

Chủ trì Diễn đàn có các ông: Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Tham dự Diễn đàn còn có hơn 150 đại biểu, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các diễn giả, nhà nghiên cứu kinh tế - xã hội trong cả nước.​

 

Thực trạng hoạt động báo chí

 

Cùng với thế giới, Việt Nam bước vào thời đại 4.0 với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ hiện đại, tiên tiến, tạo bước ngoặt phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chuyển đổi số. Báo chí cũng trong guồng quay chung ấy. Xã hội chứng kiến nhiều nhân tố mới xuất hiện: Mạng internet chuyển tải thông tin cực nhanh, công nghệ kỹ thuật quảng cáo đặc sắc hấp dẫn, rộng và hiệu quả, nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực truyền thông ra đời và thâu tóm những đơn hàng quảng cáo béo bở: Google, Facekbook… Cũng trong thời điểm ấy, đại dịch Covid-19 hoành hành thế giới khiến báo in, báo nói và báo hình truyền thống rơi vào khủng hoảng, kinh tế báo chí Việt Nam rơi vào hụt hẫng và lún sâu vào khó khăn.

 

 

Quang cảnh Diễn đàn kinh tế báo chí

 

Năm 2022, tổng doanh thu quảng cáo trên toàn cầu vượt mức 500 tỷ USD, trong đó doanh thu quảng cáo trên nền tảng số chiếm hơn 50% và giữ mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn sau của đại dịch Covid-19. Theo dự báo của Việt Nam Digital Marketing Report, doanh thu quảng cáo tại Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 1,4 tỷ USD, chỉ tăng trưởng 19% so với năm 2021.

 

Do vậy, kinh tế báo chí là một vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp để báo chí Việt Nam phát triển, đặc biệt, giải được bài toán kinh tế báo chí cũng giúp cho báo chí các địa phương có thể từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam. Trong điều kiện nguồn thu của báo chí bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều cơ quan báo chí, trong đó có các cơ quan báo chí của địa phương đang gặp nhiều khó khăn, báo in ngày càng sụt giảm, trong khi vẫn phải đầu tư cho báo điện tử mà không thu được doanh số đáng kể; truyền hình mất dần doanh thu, nguồn thu quảng cáo bởi các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến các cơ quan báo chí thiếu nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực.

 

 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023

 

Cơ chế đã mở, nhiều giải pháp thiết thực được đề xuất

 

Diễn đàn kinh tế báo chí năm 2023 diễn ra 2 phiên thảo luận, với 11 tham luận được các đại biểu, diễn giả, nhà nghiên cứu trình bày liên quan đến các vấn đề, như: Thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu về hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay; Những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan đến cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ; Chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta.

 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định: “Diễn đàn là cơ hội để đại diện các cơ quan báo chí tâm sự, giãi bày, chia sẻ những cách làm hay, kinh nghiệm tốt để gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí hiện nay mà nhiều cơ quan báo chí gặp phải với tinh thần lạc quan tiến về phía trước”.

 

 

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn kinh tế báo chí năm 2023 

 

Chủ tịch UBND tỉnh  Bình Định Phạm Anh Tuấn đề nghị các cơ quan báo chí phải nhanh chóng chuyển sang cơ chế đặt hàng, trong đó có các cơ quan báo chí địa phương, “Nhà nước vẫn đảm bảo ngân sách đặt hàng, đảm bảo nuôi sống cơ quan báo chí. Ngoài ra cơ quan báo chí có thể ký hợp đồng thêm với các đơn vị có nhu cầu về mặt truyền thông. Khi tự chủ về mặt tài chính, cơ quan báo chí hoàn toàn có quyền, đặt ra quy chế tài chính cho chi tiêu nội bộ, đảm bảo chi trả đúng người, đúng việc, theo chất lượng”.

 

 Nhà báo Ngô Việt Anh - Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử đề xuất: Ngoài việc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách và phát triển doanh thu quảng cáo, Việt Nam có thể tham khảo các cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã có nhiều biện pháp đa dạng nguồn thu, từ thu phí đọc báo điện tử, tổ chức sự kiện, thương mại điện tử, cho đến môi giới dữ liệu, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, đầu tư lĩnh vực giáo dục... Nguồn thu của các cơ quan báo chí trên thế giới có thể chia làm 3 nhóm chính: Nguồn thu từ khách hàng quảng cáo, truyền thông chính sách, hoặc thương hiệu; Nguồn thu từ độc giả thông qua thu phí trên báo điện tử; Nguồn thu từ hoạt động liên kết, hợp tác để tạo những giá trị mới như tổ chức sự kiện, môi giới dữ liệu, thương mại điện tử, khai thác nội dung đã xuất bản...

 

 

 

Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền trình bày tham luận tại Diễn đàn kinh tế báo chí năm 2023

 

Nhà báo Phạm thị Thanh Huyền – Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân thì cho rằng: Báo chí thực hiện tôn chỉ, mục đích hiệu quả thì sẽ đạt “hiệu quả kép”. Tờ báo không sinh ra để kinh doanh, trong khi nhiệm vụ chính trị, tôn chỉ, mục đích thì lại xem nhẹ. Do đó, những vấn đề quan trọng từ chức năng, nhiệm vụ thực hiện tôn chỉ, mục đích chính là cơ sở lý giải cho các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các hình thức thông tin tuyên truyền theo đặt hàng từ ngân sách nhà nước và từ nguồn lực xã hội, nguồn lực công và tư. Sự đầu tư đúng và trúng nhiệm vụ, vị thế, uy tín, sức sống lan tỏa của tờ báo một mặt làm nên hiệu quả thông tin sâu sắc hơn, mặt khác, tờ báo sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng, nhiều nguồn lực từ xã hội hơn.

 

Diễn đàn đặc biệt chú ý đến phát biểu của ông Lê Xuân Trung – Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ - một trong những tờ báo uy tín của bạn đọc và có cách làm kinh tế ấn tượng. Ông cho rằng: Trong bối cảnh khó khăn chung của báo chí hiện nay về nguồn thu quảng cáo, Chính phủ nên hỗ trợ báo chí bằng cách giảm tối đa các loại thuế để báo chí có nguồn lực đầu tư phát triển nội dung và chăm sóc bạn đọc thành viên. Sau này, nguồn thu từ bạn đọc tăng lên, báo chí có lợi nhuận như thời hoàng kim của báo giấy sẽ đóng thuế trở lại bình thường để bảo đảm công bằng xã hội. Để việc thu phí khả thi, lâu dài, những chính sách về bảo vệ bản quyền cần được thực hiện đến nơi đến chốn. Các cơ quan báo đài có thể dồn sức thực hiện các sản phẩm báo chí chất lượng cao, tiêu tốn nhiều công sức và chi phí đầu tư mà không lo bị sao chép, nhân bản tràn lan trên không gian mạng. Nếu việc thu phí thành công, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ngành, báo chí Việt Nam sẽ bước vào một thời kỳ phát triển mới.

 

 Diễn đàn đã đi đến kết luận của ông Trần  Thanh Lâm – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, rằng trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam, các cơ quan báo chí vẫn được sự quan tâm đặt hàng hỗ trợ tài chính của Nhà nước, ngoài ra sự năng động sáng tạo để có  nguồn thu lớn trên nền tảng số đều phấn đấu có nội dung chất lượng, có tính sáng tạo cao và lượng độc giả lớn. Thành công về nội dung báo chí thường đến trước và tạo tiền đề cho thành công trong kinh doanh báo chí. Do đó, các tòa soạn sau diễn đàn này tiếp tục ưu tiên chiến lược phát triển nội dung khác biệt, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của độc giả trung thành, song hành với chiến lược kinh doanh để thu hút khách hàng tiềm năng.

                                                                          

  Văn Thuận


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang