Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s dự báo các nước G20 tăng trưởng chậm 2,7% năm 2015 và 3% năm 2016.
Tổ chức này nhận định trong 5 năm tới, các nền kinh tế hàng đầu chưa thể khôi phục mức tăng trưởng bình quân trước khủng hoảng do các hệ lụy dai dẳng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Phục hồi yếu, biến động nhiều
Mặc dù Mỹ, khởi nguồn của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và là nước chịu hậu quả nặng nề của khủng hoảng lại là nước có tốc độ phục hồi rõ nhất trong các nước phát triển. Quý II/2015, kinh tế Mỹ đã đạt mức tăng trưởng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn ước tính ban đầu (2,3%) và dự báo của các nhà kinh tế (3,2%) dẫn đến khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ sớm tăng lãi suất cơ bản.
Tuy nhiên, trong tháng 8, trước sự kiện Trung Quốc phá giá đồng NDT và thị trường chứng khoán lao dốc trong “ngày thứ hai đen tối”, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều sụt giảm.
Trước tình hình đó, nhiều nhà kinh tế cho rằng có thể Fed sẽ lùi thời điểm tăng lãi suất (trước đây được dự báo là vào tháng 9 sau cuộc họp của Hội đồng Fed vào ngày 4/9 tới) và mức tăng lãi suất sẽ không cao (được dự báo là 0,25 điểm phần trăm).
Khu vực đồng euro vẫn tăng trưởng yếu 0,3% trong quý II/2015 do hầu hết các nền kinh tế chủ chốt đều trì trệ. Khủng hoảng nợ Hy Lạp vẫn là rủi ro đe dọa sự ổn định tài chính liên minh châu Âu (EU). Kinh tế Nhật Bản phục hồi không vững chắc, tăng trưởng GDP trong quý II/2015 đã giảm 0,4% so với quý trước (giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước).
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, khó đạt mục tiêu 7% như dự kiến.
Nga đang đối mặt với suy thoái và những khó khăn kép do cấm vận của phương Tây và giá dầu lao dốc.
Tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi tiếp tục giảm mạnh và dự báo còn gặp khó khăn đến hết năm 2016. Trong khoảng một năm trở lại đây, lượng vốn rút khỏi 19 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới lên tới 940 tỷ USD, gần gấp đôi lượng vốn 480 tỷ USD rút ra trong suốt khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Một loạt nước điều chỉnh tỉ giá
Kể từ đầu năm 2015, đồng tiền của nhiều quốc gia châu Á đã giảm giá mạnh so với USD. Đáng chú ý là ngày 11/8/2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã điều chỉnh hạ giá đồng NDT ở mức 1,9% và liên tục từ đó đến nay, Trung Quốc đã thực hiện một số điều chỉnh, tuy có lúc tăng, có lúc giảm, nhưng chủ yếu là hạ giá NDT so với USD.
Là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, kinh tế Trung Quốc đóng góp 23% tăng trưởng toàn cầu (Mỹ chỉ đóng góp 13%) việc điều chỉnh tỷ giá NDT gây ra sự phản ứng khá mạnh của thị trường tài chính thế giới và kéo theo sự điều chỉnh giảm giá của nhiều đồng tiền khác.
Đồng tiền của một số nền kinh tế mới nổi đã sụt giảm mạnh, như đồng tiền của Indonesia và Malaysia đã giảm xuống thấp nhất trong 17 năm qua, đồng tiền của Brazil giảm 9%, Kazakhstan thả nổi tỷ giá...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ giảm giá đồng yen.
Giá dầu thế giới tháng 8/2015 tiếp tục giảm, có thời điểm dưới mức 40 USD/thùng, mức thấp nhất trong hơn 6 năm qua. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo hết năm 2015, giá dầu nhiều khả năng dao động quanh 50 USD/thùng và không vượt ngưỡng 60 USD/thùng.
Biến động tài chính-tiền tệ quốc tế và lo ngại suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khiến kinh tế thế giới trì trệ hơn đã tác động mạnh đến thị trường hàng hóa quốc tế. Chỉ số giá của 22 hàng nguyên liệu (chỉ số Bloomberg) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ