Cà phê Việt được bán trong hệ thống cửa hàng Starbucks
Bộ NN&PTNT cho biết, giá trị xuất khẩu của ngành 7 tháng đầu năm 2015 đạt 16,93 tỉ USD. Con số này giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2014. Một điểm đáng chú ý là giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính giảm tới 5,7% (đạt 8,2 tỉ USD), và giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê, cao su, gạo. Trong đó, cà phê là mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm sút mạnh nhất, ở mức 33,7%.
Điều này có lẽ cũng không đáng ngạc nhiên khi giá cà phê trên sàn giao dịch kỳ hạn và thị trường trong nước vẫn ở mức thấp nhất trong niên vụ vừa qua (tính từ 1/10/2014). Như vậy, đây là tháng 7 (tức tháng thứ 10) của một niên vụ cà phê đã đi qua với giá thấp, áp lực hàng tồn lớn… Thời báo Kinh tế Sài gòn (bản điện tử) đánh giá 31 ngày qua là “giai đoạn không lành nhất của niên vụ cà phê” tính đến nay.
Tuy nhiên, vào cuối tuần, một thông tin khá thú vị có lẽ đã làm cho mảng thông tin về cà phê trong nước bớt “u ám”. Theo trang tin chính thức của chuỗi cà phê nổi tiếng toàn cầu Starbucks, hãng này đã lựa chọn cà phê chè (Arabica) có xuất xứ Cầu Đất, Đà Lạt (Lâm Đồng) là 1 trong 7 loại cà phê Arabica để bán tại 21.500 cửa hàng ở 56 quốc gia trên toàn thế giới.
Để được lựa chọn trở thành một trong những sản phẩm tại Starbucks, cà phê phải bảo đảm vị, mùi và tiêu chuẩn an toàn khá khắt khe, gọi là “tiêu chuẩn Starbucks C.A.F.E Practices” (C.A.F.E là Coffee And Farmer Equity).
Chuyên gia cà phê cao cấp của Starbucks Leslie Wolford cho biết, chất lượng cà phê Arabica của Đà Lạt rất hoàn hảo với vị chua nhẹ dịu, thích hợp gu thưởng thức của khách hàng. Starbucks cũng công nhận cà phê Đà Lạt là 1 trong 7 loại cà phê ngon trên thế giới.
Trước cà phê Arabica Cầu Đất, Starbucks chỉ chọn 6 quốc gia làm nhà cung cấp cà phê Arabica cho chuỗi cửa hàng của mình, bao gồm Indonesia, Kenya, Rwanda, Brazil, Colombia và Guatemala.
* Một thông tin xuất khẩu đáng chú ý là vào ngày 31/7 vừa qua, Ủy ban Chống bán phá giá Australia đã quyết định chấm dứt điều tra chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam sau đúng một năm điều tra.
Kết luận được phía Australia nêu rõ khối lượng thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam vào nước này là “không đáng kể” và “không bán phá giá” như trong đơn kiện của BlueScope Steel.
Doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 33%
Theo Tổng cục Thống kê, từ 20/6 đến 20/7, cả nước có 6.598 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 38,9 nghìn tỉ đồng, bình quân vốn đăng ký 1 doanh nghiệp đạt 5,9 tỉ đồng. So với tháng trước, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 29,4%; số vốn đăng ký giảm 38,4%; số vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp giảm 12,6%.
Nếu so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 29,8%, số vốn đăng ký tăng 23,3%.
Trong tháng, cả nước có 1.467 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 33% so với tháng trước. Có 3.172 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, giảm 35,7%, bao gồm 762 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 2.410 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Có 748 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, giảm 9,2%.
Bộ Tài chính muốn vay 30.000 tỉ đồng
Tuần qua, Bộ Tài chính đã đề nghị NHNN cho ngân sách Nhà nước (NSNN) vay 30.000 tỉ đồng. Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định các quy định pháp luật hiện hành không cấm NHNN hỗ trợ cho NSNN, trong điều hành NSNN thì việc điều hòa vốn qua Kho bạc Nhà nước vẫn có thời điểm cần hỗ trợ của NHNN.
NHNN sẽ xem xét đề nghị này và đánh giá trên cơ sở mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu có hỗ trợ, NHNN luôn sử dụng giải pháp đồng bộ điều tiết lượng tiền hợp lý.
Cũng tại buổi họp báo, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Tình hình ngân sách có một số khó khăn chủ yếu do giá dầu thô giảm nhưng kết quả chung 7 tháng khá tích cực, đạt 59,8% dự toán, cao hơn 6-7% so với 2, 3 năm gần đây.
“Việc Bộ Tài chính đề nghị cho NSNN vay 30.000 tỉ đồng không phải do khó khăn về thu ngân sách”, ông Hải nói. Bộ Tài chính điều hành nhiệm vụ chi, căn cứ vào nguồn thu và các kế hoạch đã đề ra. Việc vay tiền NHNN chỉ là nhất thời, sẽ hoàn trả trong năm. Ông Hải khẳng định,với triển vọng thu hiện nay sẽ không khó khăn gì trong việc hoàn trả”.
Đưa ATM ra huyện đảo tiền tiêu
Từ nay, khi ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), du khách sẽ không cần phải mang theo quá nhiều tiền mặt vì tại đây đã có máy rút tiền tự động (ATM).
Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết máy ATM đầu tiên trên huyện đảo Lý Sơn đã được Agribank chi nhánh Quảng Ngãi đưa vào hoạt động.
Sau thời gian xây dựng cabin bảo đảm phù hợp với môi trường và thời tiết khắc nghiệt trên đảo, cuối tháng 7, máy ATM đã được vận chuyển ra đảo để lắp đặt, kết nối với hệ thống và chính thức đi vào hoạt động.
* Ngày 31/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý phương án cấp điện bằng lưới điện quốc gia cho đảo Trần, huyện Cô Tô và đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế-xã hội và an ninh, quốc phòng tại các đảo.
Rolls-Royce sẽ bảo dưỡng máy bay của Vietnam Airlines
Ngày 29/7, Vietnam Airlines và hãng sản xuất động cơ Rolls-Royce của Anh đã ký kết hợp đồng bảo dưỡng động cơ cho 14 máy bay Airbus thế hệ mới A350 XWB của Vietnam Airlines.
Chiếc máy bay A350-900 đầu tiên đã được VNA chính thức tiếp nhận hôm 2/7. Còn chiếc Boeing 787-9 sẽ được hãng nhận vào cuối tháng này.
VNA là hãng hàng không thứ hai trên thế giới khai thác chiếc A350-900 XWB và trở thành hãng đầu tiên ở châu Á–Thái Bình Dương tiếp nhận cùng lúc hai loại máy bay thế hệ mới Boeing 787-9 và Airbus A350-900.
Hãng sẽ thay toàn bộ đội bay thân rộng gồm 33 chiếc, trong đó có 19 Boeing 787 và 14 Airbus A350, được chuyển giao từ giữa 2015 đến giữa 2019 để tập trung khai thác trên các đường bay dài, xuyên lục địa.
Nguồn: Chinhphu.vn