Thứ Sáu, 22/11/2024 06:06:10 GMT+7
Lượt xem: 3966

Tin đăng lúc 08-10-2019

"Kinh tế tuần hoàn - Từ góc nhìn quốc tế đến tiềm năng phát triển tại Việt Nam"

Đó là chủ đề cuộc Gặp gỡ, đối thoại với Báo chí về kinh tế tuần hoàn do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan ở Việt Nam tổ chức vào chiều ngày 7 đến 8/10, tại Hà Nội. Đây là lần thứ hai, VBCSD tổ chức buổi đối thoại với báo chí về phát triển kinh tế tuần hoàn.
"Kinh tế tuần hoàn - Từ góc nhìn quốc tế đến tiềm năng phát triển tại Việt Nam"
Gặp gỡ và đối thoại với Báo chí về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Sự kiện được tổ chức nhằm hỗ trợ các phóng viên, nhà báo tác nghiệp hiệu quả hơn thông qua việc hiểu đúng, hiểu rõ về những nguyên lý cơ bản của mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như các thách thức, cơ hội khi thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, trong phạm vi chương trình, các diễn giả, chuyên gia đã giới thiệu, minh họa những cách đi, kinh nghiệm tốt đang được triển khai tại Phần Lan – một trong những quốc gia tiên phong trong mô hình kinh tế tuần hoàn hiện nay.

 

Theo đó, tại sự kiện, đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước, doanh nghiệp đã đối thoại trực tiếp với báo chí về thực tiễn triển khai cùng với xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; các mô hình dự án theo định hướng kinh tế tuần hoàn đang được triển khai hiệu quả tại một số địa phương trên cả nước...

 

 

Bà Mai Hà Thanh Uyên - Giám đốc Phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á của Công ty TNHH DOW Chemical Việt Nam trao đổi với phóng viên về Dự án  làm đường từ rác thải nhựa tại thực địa

 

Có thể nói, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng như yêu cầu tất yếu cần thực hiện các hiệp định thương mại tự do, thỏa thuận quốc tế đã cam kết về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường... kinh tế tuần hoàn được xác định là giải pháp tối ưu hướng đến một nền kinh tế xanh – tăng trưởng kinh tế hài hòa cùng lợi ích xã hội và bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên. Bởi vậy, thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương, tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới vấn đề này.

 

Tuy tinh tế tuần hoàn là khái niệm có vẻ mới mẻ, nhưng thực tế là đã được thực hiện từ lâu nay đối với doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và trong khu vực nói chung. Tuy nhiên, để hiểu một cách căn cơ thế nào là kinh tế tuần hoàn, lợi ích thu lại, ứng dụng và triển khai ra sao trong thực tế và nhân rộng bằng cách nào lại là vấn đề không dễ dàng và cần được chia sẻ kỹ hơn, tuyên truyền sâu rộng hơn. Đó là việc các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phải làm sao vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh, hiệu quả của các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế vừa duy trì, bảo vệ và gìn giữ được môi trường. Kinh tế tuần hoàn chính là lời giải cho những xung đột này, những mâu thuẫn này.

 

 

Ngài Erwann Rio - Giám đốc vận hành Khu công nghiệp DEEP C (ở Hải Phòng) trao đổi với phóng viên về con đường làm từ rác thải nhựa tại thực địa

 

Ông Ernesto  Hartikainen - Chuyên gia cấp cao về kinh tế tuần hoàn của Tổ chức SITRA nhấn mạnh, với mô hình phát triển kinh tế như hiện tại, dự báo việc tiêu thụ nguyên liệu toàn cầu sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2060 và lượng phát thải khí nhà kính hàng năm sẽ tăng từ 40GT lên tới 75GT vào năm 2060. Song, với việc thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn phát triển ở nhiều quốc gia trên toàn cầu sẽ tạo nên 1 hệ thống thu hồi chủ động để giữ lại khối lượng năng lượng và các giá trị lớn hơn cho nền kinh tế. Thậm chí, kinh tế tuần hoàn còn có thể giúp giảm 56% lượng khí thải CO2 vào năm 2050 trên toàn cầu.

 

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, ngày 8/10, Ban Tổ chức đã đưa các phóng viên, nhà báo tới Hải Phòng tham quan đoạn đường giao thông được làm từ phế liệu nhựa, rác thải nhựa đầu tiên ở Việt Nam do Công ty TNHH DOW Chemical Việt Nam phối hợp với Khu công nghiệp DEEP C (tại Hải Phòng) xây dựng thành công. Đây là kết quả hợp tác giữa Dow và DEEP C nhằm mang lại những giải pháp đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa và góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam hiện nay.

 

Hà Đăng


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang