Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam từ cuối tháng 4/2021, buộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III/2021 âm 6,17%, đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Mức giảm này thấp hơn rất nhiều dự đoán trước đó của các chuyên gia, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước. Đồng thời, khiến tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm của Việt Nam chỉ đạt 1,42%. Dựa vào kết quả trên, nhiều tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, giữa tháng 10, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay chỉ đạt từ 2-2,5%, thấp hơn rất nhiều dự báo tăng trưởng khoảng 4,8% mà tổ chức này đưa ra vào hồi tháng 8/2021.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 9/2021 đến nay, Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch được nới lỏng, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cũng thay đổi chính sách chống dịch, từ “zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP. Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia kinh tế tại sự kiện “Ngày Việt Nam” đều có chung nhận định cho rằng, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam đang bắt đầu trở lại.
Cụ thể, theo ông Frederic Neumann - đồng Giám đốc Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á - (Ngân hàng HSBC) - cho rằng: Về việc FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) tăng lãi suất có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế, nhưng Việt Nam khả năng ít bị ảnh hưởng từ lãi suất đôla Mỹ cao nhờ các yếu tố cơ bản mạnh mẽ và nền kinh tế với trọng tâm xuất khẩu.
Ông Frederic Neumann cũng nhận định, giá năng lượng tăng có thể đẩy lạm phát tăng và làm chậm tốc độ phục hồi tăng trưởng của Việt Nam. Sự thiếu hụt năng lượng có thể tạm thời khiến lạm phát tăng ở các nền kinh tế mà dầu đóng vai trò quan trọng như Việt Nam. Tuy vậy, tình hình sẽ ổn định hơn vào nửa cuối năm 2022.
Tiến sĩ Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, đồng thời là Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - cũng chỉ ra những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam, đó là: 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483 tỷ đôla Mỹ, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư FDI đăng ký mới vẫn tăng đáng kể và tăng trưởng GDP dương trong 9 tháng đầu năm, góp phần tạo nên một triển vọng tươi sáng hơn cho nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, kể từ khi Chính phủ thay đổi chính sách về Covid từ tháng 10, nền kinh tế đã nhanh chóng mở cửa trở lại và quá trình chuyển đổi sang kỹ thuật số đã bắt đầu. Hiện tại, Chính phủ đang lên kế hoạch cho một gói hỗ trợ mới để phục hồi kinh tế, đồng thời cũng đã áp dụng công nghệ trong việc kiểm soát Covid. Dự kiến sẽ có nhiều giải pháp hơn nữa, ứng dụng AI và công nghệ sẽ hỗ trợ kiểm soát tình hình và phục hồi kinh tế nhanh chóng trong thời gian sớm nhất.
Mặc dù có những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế trong tháng 10 và dự báo những tháng cuối năm, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, các nhà máy tại các khu công nghiệp phía Nam có thể phục hồi chậm hơn so với những khu vực khác do tình trạng phong tỏa kéo dài và nghiêm ngặt trong những tháng gần đây. Cùng với đó, các lĩnh vực đầu tiên phải đóng cửa do dịch bệnh Covid-19 như: Du lịch, khách sạn, tổ chức sự kiện vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, điều này khiến người tiêu dùng e ngại, dẫn tới ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị. Trong khi đó, một số công ty sử dụng nhiều lao động đã giảm quy mô sản xuất do làn sóng thứ tư của Covid-19 có thể phải đối mặt với những thách thức mới trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự… do đó, để phục hồi kinh tế bền vững, vấn đề kiểm soát dịch bệnh Covid-19 vẫn cần được quan tâm. Đây chính là "chìa khóa", là điều kiện tiên quyết giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, từ đó mới kích thích tiêu dùng phát triển.
Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia: Niềm tin của các lãnh đạo doanh nghiệp đã hồi phục, họ tin tưởng nhiều hơn vào sự trở lại của trạng thái bình thường tại Việt Nam. |
Theo Congthuong.vn