“Phòng thủ” dịch bệnh và và “tấn công” trên mặt trận kinh tế
Tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 02/7/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm "chống suy thoái kinh tế như chống giặc", như tinh thần "chống dịch như chống giặc", thậm chí ông Nguyễn Chí Dũng đã phải dùng đến cụm từ "nghiêm trọng" và "khẩn cấp" khi nói về tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
Nói thực sự là "nghiêm trọng" và "khẩn cấp" bởi tăng trưởng GDP quý II chỉ là 0,36% do bị "đứt gãy" thị trường xuất khẩu. 12 địa phương đã công bố tăng trưởng âm như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Đây là những địa phương hầu hết tăng trưởng đều đang có cơ cấu ngành dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng lớn, hoặc tăng trưởng lại quá phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Kinh tế tăng trưởng thấp sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề như: Việc làm, an sinh xã hội, nợ xấu, doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường… Thực tế này ảnh hưởng lớn đến thành quả phát triển của đất nước. Vậy nên, câu hỏi đặt ra lúc này là làm gì và làm như thế nào để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế?
Tập trung hồi phục kinh tế
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng ví "cỗ máy" tăng trưởng của Việt Nam như "cỗ xe tam mã" gồm: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, do đó cần phải dùng mọi biện pháp để ba con ngựa kéo đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.
Hiện tăng trưởng là vấn đề rất quan trọng, cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các chính sách. Từng bộ, ngành, địa phương phải lập ban chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc đầu tư công, gỡ bỏ các rào cản thủ tục hành chính, đầu tư kinh doanh...
Nếu giải ngân tốt gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD thì sẽ tạo động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế phân tích, cứ tăng thêm 1% giải ngân đầu tư công, GDP sẽ tăng thêm 0,06%. Tuy nhiên, khi cả Chính phủ và xã hội đang đặt hy vọng vào đầu tư công để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, thì tỷ lệ giải ngân đầu tư công lại quá chậm chạp. Sáu tháng đầu năm, kết quả giải ngân mới đạt 33%, bằng 1/3 kế hoạch. Vì vậy, đòi hỏi các bộ, ngành, đặc biệt là địa phương phải kịp thời giải quyết vướng mắc, trong đó vướng mắc quan trọng hiện nay là giải phóng mặt bằng.
Theo các cơ quan truyền thông, Chính phủ đã lập đoàn kiểm tra các địa phương, đơn vị nào không giải ngân được thì giao đơn vị khác làm. Chính phủ coi giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, ngành, địa phương; không để tình trạng sau hội nghị về thì tình trạng trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư tiếp tục tái diễn.
Yêu cầu chấn chỉnh sự chậm trễ bằng những biện pháp rắn hơn. Những chỉ đạo nghiêm khắc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các bộ, ngành, địa phương được trông đợi là sẽ thúc đẩy tiến độ giải ngân nhanh hơn. Cùng với việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, các chính sách tài khóa và tiền tệ cũng là giải pháp để kích thích tăng trưởng.
Xử lý vấn đề nợ công
Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính, đàm phán tiếp nhận các khoản hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế để có nguồn kích hoạt kinh tế, nâng trần nợ công lên mức cần thiết. Nợ công có thể nâng lên 2 - 3%. Nợ công hiện đang ở mức 57%, trong bối cảnh hiện nay, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì phải chấp nhận nới trần nợ công. Lúc này, "Vừa phòng dịch, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế" là mục tiêu kép để Chính phủ tiếp tục theo đuổi. Để làm được điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản tăng trưởng trong những quý còn lại, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 3% - 4%, tinh thần chống trì trệ và "hành động, hành động hơn nữa".
Dự báo tăng trưởng
Không chủ quan, tự mãn khi một số dự báo trong nước và quốc tế vẫn cho rằng, dù dịch bệnh đang lây lan chưa biết khi nào dừng, dẫn tới việc 9 trong 14 nền kinh tế của khu vực ASEAN+3 được dự kiến tăng trưởng âm trong năm nay. Theo Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3, Việt Nam vẫn là sẽ một trong 5 nền kinh tế dự kiến tăng trưởng dương (bao gồm: Trung Quốc, Brunei, Lào, Campuchia). Trong đó, tăng trưởng GDP trong khu vực dự báo giảm mạnh từ mức 4,8% trong năm 2019 xuống 0% trong năm nay, trước khi phục hồi mạnh mẽ 6% vào năm 2021.
Cùng chung nhận định trên, Fitch Ratings là một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế đã đưa ra nhân định, Việt Nam là quốc gia nổi bật trong thị trường châu Á với khả năng phục hồi kinh tế và thành công vượt trội trong việc kiểm soát dịch COVID-19. Theo đó, Việt Nam sẽ có tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh so với nhiều nước trong khu vực. Dữ liệu chính thức cho thấy GDP quý II của Việt Nam ước tăng khoảng 0,4%, mặc dù dịch bệnh đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới du lịch và xuất khẩu. Fitch cho rằng, số liệu là phù hợp với dự báo tăng trưởng 2,8% cả năm mà Việt Nam đưa ra trước đó.
Báo cáo của Fitch Ratings cũng cho rằng, Việt Nam có thể sẽ được hưởng lợi từ dòng chuyển dịch sản xuất của các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài, do những gián đoạn nguồn cung từ một số thị trường tương đồng trong khu vực. Bên cạnh đó, dù có thể có tác động tốt từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8 tới, nhưng theo Fitch, Việt Nam cũng cần chuẩn bị kỹ để tận dụng hiệu quả hiệp định này.
Dịch bệnh COVID-19 dự báo vẫn diễn biến phức tạp, muốn kinh tế hồi phục nhanh, thì các Bộ, ngành, địa phương phải hết sức bình tĩnh, không chủ quan nhưng tuyệt đối không được bi quan. Lúc này, cùng với các biện pháp để chống suy giảm kinh tế, biện pháp quan trọng trước tiên chính là tập trung chống bằng được sự trì trệ khi triển khai các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế trong cả ngắn hạn, lẫn trung và dài hạn.
Mai Hương