Thứ Sáu, 22/11/2024 17:37:09 GMT+7
Lượt xem: 3297

Tin đăng lúc 26-10-2015

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Tái cơ cấu kinh tế chưa đạt mục tiêu

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Tái cơ cấu kinh tế chưa đạt mục tiêu
Các đại biểu thảo luận ở tổ

Hiệu quả chưa cao

 

Tại buổi thảo luận, phần lớn các đại biểu Quốc hội đồng tình với những kết quả đạt được trong việc thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp giai đoạn 2011 – 2015. Theo đó, công tác tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã được đẩy mạnh và đạt kết quả cao. Tái cơ cấu đầu tư đã khắc phục tình trạng dàn trải, cơ cấu vốn đầu tư công giảm từ 35,5% (năm 2010) xuống còn khoảng 30% (năm 2015), đầu tư của dân cư và doanh nghiệp trong nước tăng từ 36,1% lên 42%.

 

Về tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty đã tập trung vào CPH, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đến nay, đã sắp xếp 465 DNNN, trong đó CPH 353 DN. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN được nâng lên; vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển…

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh công tác tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng vẫn còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo ông Lê Hữu Đức (đại biểu tỉnh Khánh Hòa), quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn chậm. Ông Đỗ Ngọc Niễn (đại biểu tỉnh Bình Thuận) cũng cho rằng, Chính phủ đôn đốc khá quyết liệt nhưng quá trình triển khai vẫn kém hiệu quả. Ông Niễn đặt câu hỏi, hiện nay các DN nắm giữ cổ phần nhà nước còn rất lớn, tại sao các DN này không làm nhanh mạnh được? Ông Trần Xuân Hòa (đại biểu tỉnh Quảng Ninh) nhấn mạnh: Nếu Chính phủ không nhìn vào những tồn tại thực tế mà giải quyết, xử lý thì sẽ không đạt được kết quả như ý muốn.

 

Chỉ nên thoái vốn ở DN thua lỗ

 

Dự kiến, trong năm 2016, Chính phủ tiếp tục triển khai đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xây dựng bình quân khoảng 8,7 - 9,5%/năm, đến năm 2020, tỷ trọng khu vực công nghiệp trong GDP khoảng 40%; tiếp tục tái cơ cấu DNNN, tập trung cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành; bán hết phần vốn trong các DN mà nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường.

 

Theo ông Trần Xuân Hòa, để đạt mục tiêu trên, các cơ quan nhà nước phải tham mưu cho Chính phủ có những biện pháp, giải pháp thực hiện CPH thực chất hơn, hiệu quả hơn. Trong đó, cần xem xét kỹ việc thoái vốn ở DN đang làm ăn hiệu quả. “Có DN khi thoái vốn nhà nước đã được thị trường đón nhận rất tích cực và mua hết cổ phần bán ra với giá cao như Vinamilk, FPT… Trong khi đó, nhiều DN nhà nước nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ cao thì bán với tỷ lệ rất thấp. Như vậy, mục tiêu đề ra trong vấn đề CPH chưa đạt, không thu hút vốn” – ông Hòa phân tích.

 

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, chỉ nên thoái vốn ở DNNN làm ăn thua lỗ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần cụ thể hóa tái cơ cấu ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đồng thời tập trung hỗ trợ DN nâng cao sức cạnh tranh.

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang