Thứ Hai, 25/11/2024 12:31:45 GMT+7
Lượt xem: 1788

Tin đăng lúc 01-11-2017

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: 'Nóng' nghị trường trước những vấn đề kinh tế - xã hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, hôm nay (31/10), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020. Tại đây, rất nhiều vấn đề “nóng” đã được đề cập và phân tích.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: 'Nóng' nghị trường trước những vấn đề kinh tế - xã hội
Đại biểu Ngô Sách Thực: Cần chấn chỉnh kỷ cương trong đầu tư công

Bộ máy vẫn thờ ơ dù Chính phủ chỉ đạo quyết liệt

 

Nhất trí đánh giá về cơ bản, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã đi đúng hướng, phù hợp diễn biến thị trường; nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện… là ý kiến của nhiều đại biểu, như: Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận), Ngô Sách Thực (Đoàn Bắc Giang), Nguyễn Bắc Việt (Đoàn Ninh Thuận),…

 

“Điểm nổi bật nhất trong điều hành kinh tế - xã hội năm 2017 là cả 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu được đề ra” - đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đánh giá và cho rằng, kết quả đã góp phần củng cố niềm tin của người dân, tạo không khí phấn khởi cho toàn xã hội.

 

Đồng tình, đại biểu Ngô Sách Thực bổ sung những điểm “sáng”, như: “Sáng” ở tốc độ tăng trưởng, “sáng” trong thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu, “sáng” trong chống tham nhũng, tiêu cực và kết luận, có những “điểm sáng” này là nhờ sự quyết tâm trong lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn hệ thống chính trị và nhân dân cả nước.

 

Tuy nhiên, trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những nhược điểm mà nổi lên là tình trạng “trên bảo dưới không làm”. Trong khi Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, thì bộ máy bên dưới thờ ơ, vô cảm trong thực hiện công vụ- là nhận định của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương.

 

Tán thành và đưa ra đề nghị giải pháp trong một lĩnh vực - lĩnh vực đầu tư công - đại biểu Ngô Sách Thực cho rằng, cần chấn chỉnh kỷ cương trong đầu tư công. Người dân đang rất quan tâm đến vấn đề này. Lý giải cho ý kiến của mình, đại biểu chỉ rõ, phân bổ vốn đầu tư rất chậm trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm nên có thể tạo ra sức ép giải ngân để đạt mục tiêu về chi ngân sách.

 

Hơn nữa, công tác phân cấp, thủ tục đầu tư trong tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công trên thực tế còn nhiều bất cập dù hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành đã đề ra nhiều biện pháp công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đấu thầu qua mạng,…

 

Bất hợp lý trong số liệu tăng trưởng? Ngân sách hạn hẹp!

 

Cho rằng số liệu tăng trưởng GDP trong những năm qua không hợp lý, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) dẫn thực tế tăng trưởng các quý tăng, giảm đột ngột không theo quy luật thông thường. “Nếu lý giải do quý I là tết nên sản xuất giảm làm giảm GDP là không thuyết phục bởi nó được bù đắp bởi tiêu dùng, du lịch nên nếu có cũng không thể giảm quá sâu” - đại biểu Hàm phân tích và dẫn tiếp số liệu, quý IV/2016, GDP đạt 6,8% nhưng lại đột ngột giảm xuống 5,1% trong quý I/2017 rồi tăng trưởng thần kỳ trong quý III lên 7,46% nên cử tri cho rằng tăng trưởng có những điểm nghẽn rất bất hợp lý trái với quy luật thông thường nên đề nghị với Chính phủ làm rõ, khắc phục ngay.

 

Về dự toán ngân sách, từ thực tế ngân sách trung ương hạn hẹp, năm 2015 và 2016 đều hụt thu, khó khăn cho bố trí các công trình, dự án quan trọng nhưng hỗ trợ chi đầu tư cho địa phương dàn trải, vượt quy định của Luật NSNN… Nên với tốc độ bố trí vốn như hiện nay, việc đạt mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế khó đảm bảo… Do đó, “Chính phủ cần nhìn nhận nghiêm túc có giải pháp khắc phục” - đại biểu Hàm đề nghị.

 

Cũng theo đại biểu Hàm, hiện nay bội chi cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo khó đạt mục tiêu trung hạn, kỷ luật tài khoá chưa nghiêm… là những vấn đề Chính phủ cần hết sức quan tâm.

 

Đưa giải pháp, đại biểu Đoàn Phú Thọ cho rằng, Chính phủ cần kịp thời cải cách chính sách thu, giảm biên chế, đẩy nhanh cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực sự nghiệp, cân nhắc khoán chi ko thường xuyên cho các đơn vị đã tự chủ được, ưu tiên tích lũy trả nợ, kiểm soát chặt chẽ ODA.

 

Doanh nghiệp FDI càng lỗ càng mở rộng sản xuất

 

Đây cũng là mối lo của nhiều đại biểu Quốc hội. Các đại biểu cho rằng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều hơn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn vốn gián tiếp đều tăng mạnh là những tín hiệu tốt của nền kinh tế. Tuy nhiên, sau “cơn địa chấn” của FDI lại là nỗi lo âm ỉ của nhà quản lý, chuyên gia và nhà đầu tư trong nước.

 

 

Đại biểu Phạm Trọng Nhân: Dường như chúng ta đã cứng nhắc, khắt khe với chính “người nhà” của mình - những doanh nghiệp trong nước

 

Đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu câu hỏi, một khi hoàn thành tốc độ tăng trưởng, thì giá trị nội tại mang lại cho nền kinh tế, đời sống của người dân làm sao? Và đột ngột giảm rồi đột ngột tăng GDP của quốc gia chỉ vì sản phẩm của doanh nghiệp FDI thực sự là nỗi lo đáng ngại trên thực tế. Đặc biệt theo thống kê, trong giai đoạn 2015 - 2017, cả nước có khoảng 50% số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có những doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liền, nhưng “điểm ngược đời” là càng lỗ thì doanh nghiệp FDI càng mở rộng sản xuất còn theo thống kê của tổ chức nước ngoài cho thấy, mỗi năm Việt Nam bị thất thu 170 tỷ USD vì hiện tượng chuyển giá. 

Theo đại biểu Nhân, nhìn lại chính sách mà Nhà nước ưu đãi đặc thù cho FDI thì dường như chúng ta đã cứng nhắc, khắt khe với chính “người nhà” của mình - những doanh nghiệp trong nước. 

 

Từ phân tích trên, đại biểu Nhân cũng như nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện quan điểm kiến nghị “không thu hút đầu tư bằng mọi giá” mà cần ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, các ngành thân thiện với môi trường, có sẵn chuỗi liên kết, sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, cần có cam kết chuyển giao công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa.

 

Đặc biệt, trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng những chỉ đạo quyết liệt, cam kết kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng của người đứng đầu Chính phủ đã thổi luồng sinh khí mạnh mẽ vào môi trường đầu tư kinh doanh, đại biểu Phạm Trọng Nhân xúc động nói: “Tôi thực sự vui mừng, sự quyết tâm của cộng đồng doanh nhân trẻ, sự quyết tâm đồng hành của Chính phủ qua việc công bố “sách trắng”, tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân lần 2, và mới hôm qua là ra mắt cộng đồng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ là minh chứng hùng hồn nhất cho những cam kết và quyết tâm này”. Nhưng, quan trọng hơn là làm sao luồng sinh khí liên tục bền vững và lan tỏa, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang