Ấm no, hạnh phúc đã nở hoa trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng sau 60 năm và huyện An Lão đang chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, xứng tầm với vùng núi giàu tiềm năng phía cực Bắc của tỉnh Bình Định.
Một chiến công vang dội đi vào lịch sử
Đầu tháng 12/1964, tình thế cách mạng trên chiến trường miền Nam thay đổi, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V quyết định mở chiến dịch tấn công giải phóng huyện An Lão. Đêm ngày 6 sáng ngày 7/12/1964, quân và dân ta đồng loạt nổ súng tấn công như vũ bão vào chi khu quận lỵ, cùng các cứ điểm của địch trên địa bàn huyện. Chỉ trong một đêm, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ các cứ điểm của địch, truy bắt tàn quân, tề điệp, ác ôn; Giải phóng 08 ấp chiến lược, làm chủ toàn bộ thung lũng An Lão, tạo điền kiện thuận lợi để triển khai lực lượng đánh quân chi viện của địch. Với tinh thần chiến đấu anh dũng, chiến sĩ ta đã kiên cường bám chắc trận địa, giành giật với địch từng tấc đất, đẩy lùi các đợt ném bom ác liệt bằng máy bay và các trận phản công bằng đường bộ của địch. Chỉ trong vòng hai ngày 07 và 08/12/1964, chiến dịch giải phóng An Lão đã cơ bản thắng lợi. Đến ngày 23/12/1964, toàn bộ lực lượng của địch rút chạy xuống Hoài Ân, huyện An Lão được giải phóng.
Chiến thắng An Lão thể hiện khí thế cách mạng tiến công của quân và dân An Lão - Bình Định nói riêng, cả nước nói chung, là một điểm son khởi đầu cho việc đánh bại các kế hoạch và chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền Nam. Lần đầu tiên trên chiến trường Khu 5 xuất hiện phương pháp tác chiến mới - đó là sự kết hợp giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích; Kết hợp giữa đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận với đấu tranh vũ trang.
Chiến thắng An Lão là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương sáng ngời về ý chí quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ Quân khu V và các lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định, huyện An Lão,... Chiến thắng An Lão là chiến thắng của tinh thần đoàn kết quân dân, đoàn kết giữa ba dân tộc anh em Kinh, H’re và Bana trên địa bàn huyện. Chiến thắng An Lão gắn liền với sự ra đời và truyền thống vẻ vang của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, đặc biệt là Trung đoàn 2 An Lão anh hùng. Thắng lợi này tiếp tục khẳng định sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, sức mạnh của chiến tranh nhân dân đối với kẻ thù nguy hiểm nhất và có vũ khí tối tân nhất.
An Lão vươn lên trong xây dựng nông thôn mới
Từ một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, An Lão đã tiến từng bước vững vàng, nhân dân ra sức lao động sản xuất để xây dựng quê hương. Trong nhiều năm qua, kinh tế của huyện không ngừng phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; Nông lâm nghiệp phát triển toàn diện, từng bước nâng cao năng xuất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi; Ngành du lịch mở hướng phát triển, một số mô hình khởi nghiệp gắn với du lịch cộng đồng, chế biến dược liệu; Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, một số công trình lớn được xây dựng và đưa vào sử dụng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng được quan tâm chăm sóc; Bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc.
Tại xã vùng cao An Toàn, người dân đã làm Homestay để đón khách du lịch
Thực hiện phương châm "Tập trung huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở miền núi"..., đời sống của người dân An Lão, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự đổi mới tích cực. Đến nay, toàn huyện đã được đầu tư xây dựng hàng trăm công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh phát huy hiệu quả. Đặc biệt, Nghị quyết 30a của Chính phủ được triển khai đã thổi luồng gió mới vào đời sống của người dân huyện vùng cao An Lão. Các hộ nghèo được đầu tư hỗ trợ vốn và vật tư sản xuất nông nghiệp, đời sống vật chất tinh thần của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt.
UBND huyện An Lão đang triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kết hợp chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó tập trung phát triển hàng loạt các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ở xã An Toàn như: Bưởi, cam, bơ; Mây tự nhiên (100ha), chè tiến vua (đồi chè với hơn 500 gốc chè cổ thụ), chè dây, trà thảo mộc, cao dược liệu, sim thôn 1, rượu cần Bana; Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đan lát của người Hrê, Bana; Sản phẩm heo đen, bò cỏ, gà thả đồi. Các dự án này, bên cạnh việc phát triển kinh tế nông nghiệp (theo mô hình nông, lâm kết hợp), còn tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt để cung cấp cho du khách nhằm tạo nên sức hút riêng cho du lịch An Toàn trong tương lai.
Sáu mươi năm sau ngày giải phóng, huyện An Lão đang khẳng định một sức vươn mới. Truyền thống oanh liệt trong chiến đấu hôm qua sẽ là hành trang cho quân và dân huyện nhà tiến lên no ấm hôm nay.
Văn Thuận