1. Trong những năm đầu giai đoạn 1946-1954 chống thực dân Pháp, chúng ta từng bước làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; không ngừng lớn mạnh cả về thế và lực. Tháng 9-1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân để tiêu hao sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, trong đó tập trung tấn công địch ở Trung Lào, Thượng Lào, Lai Châu… Trước tình hình trên, ngày 20-11-1953, địch mở cuộc hành quân đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng bước biến nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với mục tiêu ngăn cản bước tiến của quân ta. Ngày 3-12-1953, Henri Navarre - Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương chỉ thị cho cấp dưới chính thức chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược để tiêu diệt quân đội chủ lực của Việt Minh.
Trước tình hình đó, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 người. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch.
Với phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”, trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã diễn ra vô cùng ác liệt, kéo dài 3 đợt từ ngày 13-3 đến 7-5-1954. 17h30 ngày 7-5-1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó, quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, địch tháo chạy về Thượng Lào.
Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Một nửa đất nước được giải phóng, mở ra thời kỳ cách mạng mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
2. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành di sản tinh thần quý báu. Tiếp nối chiến thắng lịch sử này, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh lập chiến công hiển hách “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972; Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động. Các nước lớn tiếp tục gia tăng can dự, cạnh tranh ảnh hưởng với mức độ quy mô khác nhau ở các khu vực. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố, an ninh phi truyền thống diễn ra phức tạp có thể gây mất ổn định ở khu vực và nhiều nơi trên thế giới.
Sau 36 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ta đã lớn mạnh, nhưng bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cơ hội và thách thức vẫn đan xen, các thế lực thù địch gia tăng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền… để can thiệp vào công việc nội bộ nước ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng nêu cao cảnh giác, phát huy cao độ nội lực; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; giữ vững và tăng cường đoàn kết quân dân; kết hợp sức mạnh thời đại, tạo dựng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thời gian không ngừng trôi, lịch sử dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ được viết tiếp trên hành trình dài vô tận. Các thế hệ ông cha đi trước không cam chịu làm nô lệ, đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, sáng tạo đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các thế hệ hôm nay quyết tâm phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, lập nên kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là tiếp tục xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc, nâng cao tiềm lực quốc phòng. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại. Chú trọng xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên tuyến biên giới, vùng sâu, vùng xa, tạo thế trận quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ở các địa bàn trọng yếu.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo Hà Nội mới