Thứ Tư, 27/11/2024 16:45:01 GMT+7
Lượt xem: 1125

Tin đăng lúc 16-05-2019

"Kỳ tích" về ô tô thương hiệu Việt được viết bởi Vinfast

Gần 2 năm sau ngày khởi công Tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy, và hơn 1 năm kể từ khi hai mẫu xe concept đầu tiên ra mắt tại Triển lãm Paris Motor Show 2018, Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 6/2019. Vóc dáng của thương hiệu ô tô thuần Việt đã thành hình rõ nét, giấc mơ ô tô Việt cho người Việt không còn xa vời, được làm nên bởi sự quyết tâm tối đa của người đứng đầu và mỗi cá nhân “Gia đình Vin”.
"Kỳ tích" về ô tô thương hiệu Việt được viết bởi Vinfast
Cả nghìn con rô bốt thực hiện các công đoạn sản xuất, lắp ráp tự động đã được lắp đặt tại Nhà máy ô tô Vinfast

Một tháng sau khi khởi công Tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện tại Cát Hải - Hải Phòng, các mẫu thiết kế xe đầu tiên đã được Vingroup công bố. Và liên tục các tháng sau đó, những “đầu việc” được dồn dập triển khai để hiện thực hóa mục tiêu sản xuất ô tô thương hiệu Việt Nam. Đó là việc ký hợp đồng với BMW và Pininfarina; Công bố hai mẫu xe concept đầu tiên tại Triển lãm Paris Motor Show 2018; Giới thiệu dòng xe sedan Lux A2.0, SUV Lux SA2.0, cùng mẫu xe CUV cỡ nhỏ Fadil tại Việt Nam và chính thức nhận đặt cọc từ khách hàng; Ra mắt mẫu SUV Lux V8 phiên bản đặc biệt tại triển lãm Geneva Motor Show 2019 (Thụy Sĩ); Hoàn thành sản xuất thử nghiệm mẫu xe Lux SA2.0 đầu tiên và đưa hàng loạt xe ra nước ngoài kiểm thử. Đặc biệt, tháng 6/2019, dự kiến chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất ô tô.


Tới thăm Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast trước “giờ G”, hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là chiếc đồng hồ đếm ngược, mà nói như ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast, là “để nhắc nhở cán bộ công nhân viên của VinFast hàng ngày: chúng ta còn bao nhiêu thời gian nữa để tới ngày bắt đầu sản xuất hàng loạt xe ô tô mang thương hiệu Việt Nam”.

 

“Kỳ tích” là một từ không quá khi nhìn thấy cơ ngơi của Tổ hợp sản xuất ô tô- xe máy Vinfast. 21 tháng, từ kịch bản xây dựng, từ chọn lựa công nghệ, thiết kế, đến xây dựng, thương thảo hợp đồng, đưa máy móc, dây chuyền sản xuất vào lắp ráp… tất cả đều được triển khai thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ. Những dây chuyền tiên tiến nhất mang đậm dấu ấn công nghiệp 4.0, cả nghìn con rô bốt thực hiện các công đoạn sản xuất, lắp ráp tự động đã được lắp đặt… Ông Huệ chia sẻ rằng, bản thân ông có 24 năm 8 tháng làm trong Tập đoàn BMW, đã đi rất nhiều nước, đã làm ở Mexico, ở Ấn Độ, ở Ai Cập, đã phụ trách khu vực Đông Nam Á, từng phụ trách đề án sản xuất xe BMW đầu tiên ở Việt Nam cách đây 24 năm…, và ông thấy rất tự hào khi là thành viên của một đề án mang tinh thần Việt, một dấu ấn, một điểm nhấn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

 

 

Hầu hết các dây chuyền sản xuất được thực hiện tự động


Câu chuyện về việc chuẩn bị để cho ra đời chiếc xe thương hiệu Việt được người phụ trách Vinfast kể lại rằng, khi khởi động đề án này, chúng tôi đi gặp BMW, gặp công ty về kỹ thuật hàng đầu Magna, gặp công ty thiết kế bên Ý, xuất phát từ quyết định ngay trong những tuần lễ đầu tiên của Chủ tịch tập đoàn Vingroup, đó là chúng ta phải làm sao thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam và thế giới bằng các sản phẩm chất lượng hàng đầu với công nghệ Châu Âu, thiết kế Ý, với cách làm của người Việt Nam. Một kỷ lục cũng nên được nhắc lại là chúng tôi là công ty đầu tiên trên thế giới chỉ trong vòng 5 tháng chốt được hợp đồng mua bản quyền công nghệ với công ty BMW, tạo nền tảng cho hai chiếc xe ở hai mẫu xe ô tô đầu tiên của VinFast. Theo ông Huệ, trong thời gian đấy thì người ta chỉ biết đến Vingroup là công ty nổi tiếng hàng đầu Việt Nam, còn VinFast chưa là gì cả, nhưng chúng tôi đã thuyết phục đối tác đi đến ký kết chứ không phải như bây giờ có những lúc chúng tôi phải từ chối không nhận tiếp khách, không nhận liên lạc thêm vì có nhiều nhà cung cấp muốn trở thành bạn hàng, thành đối tác của VinFast.

 

 

Những chiếc xe thương hiệu Việt chuẩn bị được xuất xưởng


Ông Huệ chia sẻ thêm rằng, VinFast không phải chỉ là câu chuyện của thương hiệu ô tô Việt Nam không, mà nó là câu chuyện của ngành công nghiệp dẫn đầu để có thể sinh ra những ngành công nghiệp khác như công nghiệp hỗ trợ… Trên thế giới người ta đã chứng minh là cứ 1 người làm trong công nghiệp ô tô, trong nhà máy ô tô có thể dẫn đến 7 đến 10 người làm trong các ngành công nghiệp phụ trợ khác nhau. Đó là một kịch bản rõ ràng cho nên công nghiệp phụ trợ đang phủ đầy những đề án sẵn sàng triển khai tại khu tổ hợp VinFast này. “Và chắc chắn trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục để có thể ra trong những sản phẩm mới, trong đó có dòng xe điện nhưng ngoài ra, chúng tôi sẽ hết lòng, hết sức để cùng phát triển, để thúc đẩy xây dựng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam trong tương lai sắp tới”- người “thuyền trưởng” của Vinfast khẳng định.

 

 

Các chuyên gia nước ngoài làm việc tại nhà máy


Thông tin thêm tới báo giới, ông James DeLuca - Tổng giám đốc VinFast cho hay, đây không phải là một nhà máy lắp ráp CKD nhỏ lẻ, chúng tôi có đầy đủ các xưởng Dập, Thân vỏ, Sơn, Động cơ, Phụ trợ và Lắp ráp trong cùng một nhà máy. Khi hoàn toàn tăng tốc, chúng tôi sẽ tuyển dụng 5.000 người lao động và sẽ có đủ khả năng để sản xuất ra 250.000 xe ô tô và 250. 000 xe máy điện mỗi năm.

 

Ngoài các hoạt động vận hành của Vinfast, tại Tổ hợp này cũng có một khu Công nghiệp phụ trợ phức hợp. Hiện tại, đang có 08 nhà cung cấp đang đặt nhà máy tại đây với những cái tên như: ZF, Lear, Faurecia, và AAPICO. “2 đối tác nữa cũng đang lên kế hoạch để tham gia. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang trao đổi với 10 bên quan tâm khác”, ông James DeLuca – bật mí.

 

Cùng với những thương hiệu sản xuất, lắp ráp ô tô đang hoạt động tại Việt Nam, những triết lý hợp tác và phát triển của Vinfast cùng những gì đang triển khai có thể xem là một mảnh ghép lớn để xúc tiến thúc đẩy mở rộng và hoàn chỉnh bức tranh phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

 

Nguồn Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang