Thứ Sáu, 22/11/2024 08:52:32 GMT+7
Lượt xem: 2046

Tin đăng lúc 10-10-2020

Ký ức về trường đoạn “Dấu ấn Định đô Thăng Long”

Chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2020), trong những ngày qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng, nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc. Hoạt động kỷ niệm mang chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, sức sống trường tồn", gắn với Đại hội Thi đua yêu nước thành phố giai đoạn 2020-2025.
Ký ức về trường đoạn “Dấu ấn Định đô Thăng Long”
Trường đoạn “Dấu ấn Định đô Thăng Long” do May 10 tài trợ tại nút cầu vượt Chương Dương

Hà Nội là mảnh đất của những tinh hoa. Người Hà Nội, người Thủ đô luôn cố gắng bảo tồn và khơi gợi nét văn hóa trong từng mảnh cuộc sống. Ai đã đến Hà Nội hẳn sẽ rất thích thú và hạnh phúc khi được chiêm ngưỡng Con đường gốm sứ ven sông Hồng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Một tầng kiến trúc rất nhân văn, rất tinh tế của Hà Nội.

 

Con đường gốm sứ ra đời nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long với ý tưởng ban đầu do họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy thực hiện, chính thức khởi công năm 2007, hoàn thành vào tháng 10/2010. Công trình đã nhận được giải thưởng "Bùi Xuân Phái" vì tình yêu Hà Nội" năm 2008 và Tổ chức Guinness thế giới công nhận đây là bức tranh gốm dài nhất thế giới. Bức tranh tường nghệ thuật ghép gốm có màu sắc tươi sáng và độ bền cao, gồm 21 trường đoạn với tổng chiều dài 3.950 m và tổng diện tích 7.000 m2, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Con đường đường dài gần 4 km bao quanh đê sông Hồng giữ lại một phần tinh hoa cho Hà Nội, để Hà Nội ngày một đẹp hơn, lắng sâu hơn. Công trình này được thực hiện trong vòng bốn năm. Bốn năm ròng rã để hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, với biết bao mồ hôi, tâm sức của những người nghệ nhân, những người thợ làng nghề gốm của Việt Nam và trên thế giới như: Anh, Mỹ, Italia, Argentina, Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Đan Mạch… cùng biết bao người dân, sinh viên, thiếu nhi cùng nhau thực hiện.

 

Trên con đường gốm sứ ghi lại tất cả những gì tinh hoa của Hà Nội, dòng chảy lịch sử từ thời kỳ Đông Sơn qua các đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Những nét văn hóa đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm của 54 dân tộc anh em. Những  biểu tượng của Hà Nội, là cầu Long Biên, là Tháp Rùa, là Khuê Văn Các, là Chùa Một Cột… Những bức tranh của nghệ sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc và cả của những em nhỏ đang tập vẽ, tập tô. Ngược dòng chảy thời gian của 12 năm về trước, để thể hiện tình cảm đối với Thủ đô thân yêu, góp phần xây dựng nên ý nghĩa của Dự án là "một món quà chung của xã hội tặng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội", Công ty Cổ phần May 10 (nay là TCT May 10) đã tài trợ trường đoạn tranh gốm chủ đề "Dấu ấn định đô Thăng Long".

 

Sau ba tháng chuẩn bị phác thảo và thông qua 3 cuộc họp với Hội đồng Nghệ thuật tại sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, hai tác giả Bùi Viết Đoàn và Nguyễn Thu Thuỷ đã chỉnh sửa phác thảo nhiều lần dưới sự cố vấn của hoạ sĩ Trần Khánh Chương và hoạ sĩ Lê Huy Tiếp. Năm 2008, May 10 đã quyết định tài trợ một tỷ đồng để các nghệ sỹ Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội triển khai thực hiện bức tranh gốm đó. Trường đoạn đầu tiên này đóng một vai trò quan trọng là tôn vinh những nét đẹp trong di sản nghệ thuật của con đường gốm sứ.

 

Hà Nội là mảnh đất của những tinh hoa. Người Hà Nội, người Thủ đô luôn cố gắng bảo tồn và khơi gợi nét văn hóa trong từng mảnh cuộc sống. Ai đã đến Hà Nội hẳn sẽ rất thích thú và hạnh phúc khi được chiêm ngưỡng Con đường gốm sứ ven sông Hồng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Một tầng kiến trúc rất nhân văn, rất tinh tế của Hà Nội. 

 

 

Bức tranh được May 10 tái hiện lại tại khuôn viên của TCT nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

 

Bức tường bê tông cao gần 6m tầng trên, cao 2,6m tầng dưới, chạy dài gần 40m (hơn 200m2) tại nút cầu vượt Chương Dương là vị trí đắc địa để thể hiện trường đoạn tranh gốm “Dấu ấn định đô Thăng Long” gắn logo May 10. Đây là bức tường bê tông duy nhất có độ cao gần 10 mét nằm bên sông Hồng. Bức tranh gốm hoành tráng ghi lại dấu ấn thuyền rồng vua Lý Thái Tổ cập bến sông Nhị Giang (sông Hồng ngày nay). Hình tượng đôi rồng thời Lý (cao 4m, dài 10m) bay lên từ mặt nước sông Hồng phản chiếu sắc màu rực rỡ như cầu vồng hay màu cờ lễ hội dân gian. Rồng là biểu tượng thiêng liêng cho sức mạnh của Vương triều và sức mạnh của toàn dân trên con đường bảo vệ và phát triển đất nước. Nhìn tổng thể, Rồng thời Lý tạo ra vẻ đẹp thẩm mỹ thuần khiết, cách điệu sống động như một tuyên ngôn độc lập có giá trị đến ngày nay về văn hóa của Rồng Đại Việt. Hai bên bức tranh là hình hoa đào nở rộ - biểu tượng Hà Nội của mùa xuân, của khí thế phát triển đi lên, của tinh thần ngàn năm văn hiến. Tính chất bền vững của chất liệu gốm sứ sẽ kéo dài giá trị của sự đóng góp xã hội cho đến những thế hệ tương lai. Thế giới xung quanh chúng ta luôn thay đổi từng ngày, nhưng chỉ với một bức ảnh, những khoảnh khắc, cảnh vật sẽ mãi mãi còn lại với thời gian, còn lại trong ký ức.

 

 

Bức tranh “Dấu ấn Rồng thiêng” là phiên bản của bức tranh “Dấu ấn Định đô Thăng Long” được đặt cạnh ao cá Bác Hồ tại May 10 năm 2012

 

Tự hào quá! Những con người đã góp phần tạo nên nơi đây, những bức tranh gốm sứ được làm nên trên con đường ven sông Hồng này. Mỗi CBCNV May 10 luôn tự hào vì đã góp phần lưu giữ lại cùng mảnh đất Thủ đô những dòng chảy lịch sử. Niềm vui đó được gợi lại khi ngày Đại lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội đang cận kề.

 

Ng.Thúy


Tag:May 10

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang