Vào cuối tháng 8 vừa qua, trước tình hình doanh thu và lợi nhuận sụt giảm (lần lượt giảm 28% và 53% trong nửa đầu năm nay), trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, CTCP Thế Giới Số (DGW) có lý giải nguyên nhân hoàn toàn đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Trong đó, mảng máy tính xách tay và máy tính bảng sụt giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng trong thời kỳ kinh tế khó khăn giảm.
Tích cực hơn nhờ hiệu ứng theo mùa
Mặc dù vậy, trong báo cáo cập nhật mới nhất về DGW, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán ACBS vẫn kỳ vọng nhu cầu mảng ICT và điện thoại di động phục hồi mạnh trong các tháng cuối năm với sự hỗ trợ từ việc Apple ra mắt iPhone 15 series và yếu tố mùa vụ (mùa tựu trường trong quý 3 hàng năm).
Như với mảng điện thoại di động, việc Apple sẽ cho ra mắt iPhone 15 series trong tháng 9/2023 sẽ là động lực thúc đẩy doanh thu trong quý 3/2023 và quý 4/2023 của DGW khi các đại lý sẽ gia tăng nhu cầu tích trữ các sản phẩm mới. Đây là mảng chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của nhà bán lẻ này, (chiếm tới 49% vào năm trước).
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn lưu ý rủi ro về nhu cầu tiêu dùng mặt hàng điện máy và công nghệ khi loại trừ yếu tố mùa vụ, nhu cầu hiện tại của người dân vẫn đang ở mức rất thấp, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu như ICT và điện thoại di động.
Rủi ro này có thể đến từ nhu cầu tiêu thụ mảng ICT và điện thoại di động phục hồi chậm hơn dự kiến. DGW ngừng hợp tác với các nhãn hàng hiện hữu.
Với một nhà bán lẻ hàng đầu khác trong mảng điện máy và công nghệ là CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), trong buổi gặp nhà đầu tư vào tháng 8/2023, ban lãnh đạo công ty có cho rằng với chuỗi bán lẻ Thế giới Di động và Điện máy xanh thì doanh thu các tháng cuối năm 2023 sẽ tích cực nhờ hiệu ứng theo mùa (tựu trường, Giáng sinh), nhưng khó có thể đạt được mức trước đại dịch.
Cần nhắc thêm, tỷ trọng đóng góp từ 2 chuỗi Thế giới Di động và Điện máy xanh vào doanh thu thuần của MWG đã giảm từ 80,5% trong nửa đầu năm 2022 xuống chỉ còn 73,5% trong nửa đầu 2023 do giá bán giảm và tính chất không thiết yếu của các sản phẩm ICT trong điều kiện nền kinh tế ảm đạm.
Nên biết thêm, mới đây, MWG đã ký kết hợp tác chiến lược với Homecredit để đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng cho mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm, cũng mang tính khẳng định cho kỳ vọng tín dụng tiêu dùng trở lại.
Đà phục hồi vấp phải không ít rủi ro trong ngắn hạn
Còn với một nhà bán lẻ khác trong mảng điện máy và công nghệ là CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT), những dữ liệu phân tích mới đây cho thấy FRT đang phải chịu áp lực giải phóng hàng tồn kho khá lớn, đặc biệt, con số này hiện đang cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp (DN) bán lẻ cùng ngành như MWG (37%) và DGW (40%).
Do cuộc chiến cạnh tranh giá khốc liệt giữa các nhà bán lẻ điện máy và công nghệ trong giai đoạn vừa qua, FRT cũng đã thực hiện chiến lược giảm giá bán dẫn đến doanh thu chỉ tăng khiêm tốn trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN lại tăng mạnh. Điều này có thể thấy rõ trong vài tháng qua, đó là nguyên nhân khiến DN chịu lỗ sau thuế đến 219 tỷ đồng hồi quý 2/2023.
Trong phần lỗ sau thuế của FRT chủ yếu do suy giảm đến từ mảng bán lẻ ICT của FPT Shop. Tuy nhiên, FRT hướng tới mục tiêu chính cho FPT Shop là gia tăng thị phần, đây sẽ là nền tảng để tăng trưởng trong dài hạn. Vì vậy, DN này bất chấp việc phải hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn để đặt nền móng cho tương lai.
Thực ra, nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của các nhà bán lẻ mặt hàng điện máy và công nghệ nêu trên sẽ thấy họ vẫn đang trên con đường phục hồi vào các tháng cuối năm nay dù vấp phải không ít khó khăn, rủi ro trong ngắn hạn.
Tuy vậy, đà phục hồi này sẽ thể hiện rõ nét hơn trong năm 2024. Còn về dài hạn thì thị trường tiêu dùng Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng cho các nhà bán lẻ điện máy và công nghệ nhờ dân số trên 100 triệu người và dân số trẻ với 70% dưới 35 tuổi.
Hơn nữa, triển vọng cho thị trường điện máy và công nghệ còn đến từ việc người dân trong nước ngày càng thành thạo công nghệ cùng với sự phát triển của thương mại điện tử. Và đặc biệt là sự mở rộng của tầng lớp trung lưu đang kích thích nhu cầu của nhiều loại sản phẩm từ điện máy, điện tử tiêu dùng cho đến các mặt hàng công nghệ khác.
Theo Euromonitor, những yếu tố này dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững hàng năm đối với mặt hàng điện tử tiêu dùng. Điều đó được kỳ vọng sẽ giúp cho các nhà bán lẻ điện máy và công nghệ sẽ có mức tăng trưởng tốt trong những năm tới, bất chấp những biến động kinh tế vĩ mô bất lợi đã tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động của họ trong năm 2023.
Còn thực tế trước mắt cho thấy tình hình tiêu dùng mặt hàng công nghệ, điện máy nói riêng vẫn đang cho thấy khó khăn khi tăng trưởng ở mức thấp. Chính vì vậy, trong các tháng cuối năm, tăng trưởng tiêu dùng các mặt hàng vẫn sẽ cần đến vai trò hỗ trợ quan trọng của khâu chính sách để kích cầu.
Chẳng hạn như tăng trưởng tiêu dùng điện máy và công nghệ vẫn đang được hỗ trợ bởi: thuế giá trị gia tăng (VAT) chính thức giảm từ 10% xuống còn 8% đối với một số mặt hàng từ ngày tháng 7/2023; lương cơ bản tăng từ ngày 1/7/2023.
Không những vậy, mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh giúp lãi suất cho vay tiêu dùng kỳ vọng giảm thêm, qua đó có thể kích thích tiêu dùng các mặt hàng điện máy và công nghệ trong các tháng cuối năm.
Nhất là kỳ vọng lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,0-6,2%/năm trước cuối năm 2023 sẽ thúc đẩy tài chính tiêu dùng quay trở lại với lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ mặt hàng điện máy và công nghệ. Ngoài ra, với hy vọng kinh tế tăng trưởng tích cực hơn vào các tháng cuối năm sẽ giúp tăng niềm tin tiêu dùng và sức tiêu thụ đối với mặt hàng này.
Theo VNbusiness