Sự kiện CTCP Lavifood vừa chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood ở Tây Ninh là tin vui với ngành rau quả trong những ngày đầu năm 2019.
Đây là nhà máy chế biến trái cây đầu tiên tại Tây Ninh và là nhà máy lớn nhất Việt Nam, chuyên sản xuất các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế; xuất khẩu (XK) sang thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.
75% xuất khẩu qua Trung Quốc
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết XK nông nghiệp năm 2018 đạt kim ngạch 40,2 tỷ USD, trong đó rau quả đóng góp 3,8 tỷ USD.
Sắp tới, Bộ sẽ tập trung phát triển một số loại cây ăn quả có lợi thế XK theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy tối đa các lợi thế về điều kiện tự nhiên như: cam, quýt, chuối, xoài, thanh long…; đồng thời định hướng phát triển một số cây ăn quả có triển vọng thị trường tiêu thụ; Nâng diện tích cây ăn quả các loại lên khoảng 964.000ha, tăng 14.000ha so với năm 2018.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lo ngại khâu yếu nhất vẫn là chế biến. Hiện cả nước mới có gần 150 cơ sở chế biến rau, quả, trong đó ở hai "vựa trái cây" lớn nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nam bộ chỉ có khoảng 5-6 cơ sở. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ rau quả hiện nay chủ yếu là XK tiểu ngạch qua Trung Quốc.
Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay vài năm trở lại đây, XK trái cây không ngừng tăng trưởng, song hiện nay có tới 75% sản lượng XK qua Trung Quốc.
Được biết, Việt Nam có tới 40 loại trái cây có tiềm năng XK sang Trung Quốc nhưng do mới chỉ có 8 loại trái cây được phép XK chính ngạch sang nước này nên mấy chục loại trái cây khác, trong đó có những loại mà nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc rất lớn như bưởi, sầu riêng… đang phải đi qua bên kia biên giới bằng đường tiểu ngạch, đối mặt nhiều rủi ro.
Đồng thời, muốn XK sang các thị trường khó tính cũng không hề dễ dàng. Công ty Vina T&T cho biết, mỗi năm XK gần 1.000 container thanh long, nhãn, chôm chôm vào thị trường Mỹ, nhưng thông thường trong 10 tấn sản phẩm chỉ lựa được vài ba tấn hàng đáp ứng thị trường.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc công ty Vina T&T, cho hay muốn XK trái cây sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp (DN) phải xây dựng quy trình thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, đặc biệt là sở hữu được công nghệ bảo quản mới giữ được chất lượng trái cây tốt khi đến tay người tiêu dùng.
Với thị trường Mỹ, DN chỉ cần một lần sản phẩm bị phát hiện có chứa chất bảo quản không cho phép, nhiễm nấm bệnh thì sẽ bị kiểm tra toàn bộ lô hàng, khiến cho thời gian tồn giữ trái cây bị kéo dài, mất cơ hội tiêu thụ và thậm chí có nguy cơ mất luôn thị trường.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu, chia sẻ khách hàng bên Mỹ muốn đặt hàng trái vú sữa với số lượng lớn, nhưng DN này không dám nhận vì sợ nếu có ruồi đục quả thì sẽ mất uy tín, thương hiệu và ảnh hưởng đến các vụ sau. Đồng thời, Việt Nam chưa có DN nào sở hữu kỹ thuật bảo quản trái vú sữa lâu dài để có thể vận chuyển bằng đường biển.
Ông Jeroen Pasman, Trưởng phòng Kinh doanh xuất khẩu công ty The Fruit Republic, cho rằng thực tế vì vướng hàng rào kỹ thuật nên nhiều loại trái cây Việt Nam dù rất thơm ngon nhưng khó xuất ngoại. Việt Nam cần tiếp tục đàm phán để gỡ được các hàng rào kỹ thuật như vậy.
Trong khi đó, sản xuất trái cây nhiệt đới đang ngày càng phát triển ở khắp nơi trên thế giới, vì vậy mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt ở các thị trường khó tính.
Đơn cử như mặt hàng chôm chôm, thị trường châu Âu không chỉ nhập từ Việt Nam mà còn nhập của Thái Lan, Indonesia và một số nước châu Mỹ như Honduras, Guatemala và Mexico.
Với quả chanh leo, Việt Nam phải cạnh tranh với Brazil, Kenya, Zimbabwe, Nam Phi, Colombia và Israel. Việt Nam chủ yếu XK chanh tươi, trong khi các nước như Colombia, Ecuador xuất chanh đã qua chế biến.
Việt Nam XK thanh long ruột đỏ sang thị trường châu Âu, nhưng Israel (đối thủ của Việt Nam) cung cấp cho EU bằng đường biển nên chi phí thấp hơn so với vận chuyển thanh long bằng đường hàng không của Việt Nam.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, để XK rau quả nói chung và trái cây nói riêng đến các thị trường khó tính cũng như cung cấp nông sản chất lượng cho thị trường trong nước, chúng ta phải giải quyết cho được các vấn đề về an toàn và kiểm dịch (không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật) trong phạm vi cả nước.
Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đánh giá ngành rau quả phải tiếp tục tập trung đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào khâu sản xuất trái cây, nâng cao khả năng tồn trữ, hạn chế thiệt hại sau thu hoạch.
Riêng với thị trường Trung Quốc, ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An, đề nghị cơ quan ngoại giao, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc phải cảnh báo nước này đã chủ động được các loại rau quả nào, mùa vụ cũng như yêu cầu sản phẩm thế nào, những loại sản phẩm nào của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.
"Ví dụ như Trung Quốc trồng được thanh long, thanh long Việt Nam có thể bị dội chợ không và nên trồng vào thời điểm nào là hợp lý. Có như vậy mới tránh được tình cảnh nông sản Việt dồn ứ ở biên giới", ông Huy nhấn mạnh.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành này cần phải dự báo chính xác cung – cầu, tránh tình trạng như vừa qua, thanh long Bình Thuận thu hoạch đúng ngày Trung Quốc nghỉ lễ Quốc khánh nên rơi vào tình cảnh xếp hàng dài ở cửa khẩu, người tiêu dùng trong nước phải "giải cứu".
Bên cạnh đó, liên quan đến ngành trái cây, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc thống kê XK trái cây bao gồm cả trái cây tạm nhập tái xuất của Thái Lan (xuất sang Việt Nam để XK sang Trung Quốc) là không phù hợp.
Như vậy có thể khiến cho số liệu trở nên thiếu chính xác, từ đó ảnh hưởng tới việc Nhà nước hoạch định chính sách trong lĩnh vực này, đặc biệt là chính sách quy hoạch vùng trồng trái cây, dự báo cung cầu thị trường xuất nhập khẩu.
Nguồn Thời báo Kinh doanh