Quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh biên giới Lai Châu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP là 9,15%, thuộc tốp 15 tỉnh cao nhất cả nước.
Có được kết quả này là nhờ Lai Châu đã đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tập trung phát triển sản xuất...
Trong 6 tháng đầu năm khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lai Châu được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đi vào hoạt động ổn định. Tổng sản phẩm GRDP đạt gần 6.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng 9,15%. Hầu hết các lĩnh vực đều có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2021 và đạt khá so với cả nước.
Nổi bật là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng, dịch vụ... Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện địa phương có hơn 13.000ha cao su, hơn 8.500ha chè, khoảng 4.000ha chuối. Các loại cây trồng chủ lực tạo ra sản phẩm phục hồi xuất khẩu, nhờ đó tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động người địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II cho biết, năm 2022, đơn vị đưa vào khai thác hơn 3.300 ha, sau 3 tháng triển khai cạo mủ đã được gần 900 tấn, đạt gần 29% kế hoạch.
"Trước hết công ty tập trung ưu tiên cho công tác ổn định sản xuất, tạo đà cho việc mở rộng khai thác bền vững diện tích vườn cây; đồng thời đảm bảo được 3 mục tiêu trong chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn - phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó công ty áp dụng công nghệ tiến bộ trong sản xuất kinh doanh, làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm nhanh và đạt được giá bình quân cao nhất. Hiện tại công ty đang tiến hành đầu tư nhà máy chế biến và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các bạn hàng truyền thống, đồng thời tìm kiếm các bạn hàng nước ngoài để chủ động trong tiêu thụ" - ông Phước cho biết thêm.
Ngoài các cây công nghiệp dài ngày đã tìm được thị trường xuất khẩu ổn định tại các nước Trung Đông, Đông Á và một vài nước châu Âu, các sản phẩm cây ăn quả tại Lai Châu cũng đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có thị trường đầu ra ổn định.
Đặc biệt, sau một thời gian dài tạm ngừng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19, cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng trên địa bàn cũng đã được mở cửa trở lại, tạo điều kiện để các mặt hàng nông sản của huyện và của tỉnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ông Trần Bảo Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: "Để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra là duy trì, phát triển khoảng 4.000ha chuối, trước mắt chúng tôi phải tập trung tìm nguồn đầu ra cho sản phẩm.
Cùng với việc triển khai trồng, chăm sóc thì chúng tôi đang tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dây truyền chế biến trên địa bàn. Hiện nay Công ty Rau quả Trung ương đang xin chủ trương đầu tư dây truyền sơ chế và xuất khẩu sang các thị trường như là Trung Quốc, Đài Loan".
Trong 6 tháng đầu năm, với sự sát sao vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở Lai Châu cao trong tốp đầu cả nước. Cụ thể đến nay, địa phương đã giao chi tiết hơn 1.893 tỷ đồng, trong tổng số vốn đầu tư công năm 2022 là hơn 2.000 tỷ đồng.
Nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 50% như: Văn phòng Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, các huyện: Nậm Nhùn, Than Uyên, Mường Tè...
Ông Nguyễn Quang Khoa, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Lai Châu cho biết: "Những tháng đầu năm chủ đầu tư đã đôn đốc, làm việc với các nhà thầu để tháo giỡ vướng mắc và có những điều chỉnh cụ thể để cho nhà thầu có những biện pháp thi công phù hợp.
Thời gian tiếp theo, Ban cũng chỉ đạo các nhà thầu thường xuyên tổ chức các cuộc họp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để sớm đưa công trình thi công vào triển khai. Và trong những tháng cuối năm thì Ban cũng phấn đấu hoàn thành 100% nhiệm vụ mà UBND tỉnh giao".
Với điều kiện của một tỉnh nghèo biên giới như Lai Châu, có được tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,15% trong 6 tháng đầu năm là một tín hiệu đáng mừng. Qua đó cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, các tổ chức, sự nỗ lực của doanh nghiệp và việc khắc phục khó khăn vươn lên của người dân./.
Theo Vov.vn