Với việc triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp trong hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có nhiều khởi sắc.
Kinh tế tăng trưởng mạnh
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong 9 tháng đầu năm 2022, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 14,18%, đứng thứ 7 cả nước, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay.
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của Lâm Đồng phục hồi và phát triển mạnh. Đặc biệt, hoạt động du lịch sôi động, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng đạt 5,5 triệu lượt khách, tăng 158% so với cùng kỳ. Đến ngày 30/9/2022, thu ngân sách đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ. Trong đó, thu thuế, phí, lệ phí 7.043 tỷ đồng, bằng 111,8% dự toán địa phương, tăng 42,6%. Các công trình, dự án trọng điểm tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tình hình hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục khởi sắc, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục tăng cả về số lượng và vốn đăng ký. Toàn tỉnh có 1.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 23,5% về số doanh nghiệp và 22,9% về vốn đăng ký. Có 290 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 11,5% so với cùng kỳ. 9 tháng vừa qua, tỉnh Lâm Đồng cũng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án sử dụng vốn đầu tư trong nước với số vốn đăng ký đầu tư hơn 752 tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang đẩy mạnh công tác lập quy hoạch. Trong đó, quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đã được Hội đồng thẩm định Quốc gia thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10/2022.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng đang huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng xanh, thân thiện môi trường; tập trung đầu tư chỉnh trang, nâng cấp các đô thị hiện có trên địa bàn, nhất là TP. Đà Lạt, các đô thị dọc tuyến Quốc lộ 20…
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư
Nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chi số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số PAPI…
Trong công tác cải cách hành chính, tỉnh đã tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, lấy cải cách hành chính là khâu đột phá, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính các cấp. Đồng thời, tỉnh tiếp tục cải thiện và nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng của Chỉ số PCI, góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định cắt giảm thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính và hướng dẫn trình tự thực hiện dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Dương Quốc Anh- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết, cùng với cải thiện môi trường đầu tư, thời gian qua, tỉnh cũng đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư. Từ cuối năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022. Tỉnh cũng đã giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong nước và quốc tế trong năm 2022.
Theo đó, tỉnh đã đa dạng hoá các hình thức xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước và nước ngoài; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước và chính quyền các địa phương để tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, chương trình xúc tiến đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực trọng điểm và có thể mạnh của tỉnh Lâm Đồng. Các đơn vị chức năng của tỉnh cũng chủ động gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi thông tin xúc tiến đầu tư với các tổ chức như: JETRO, JICA (Nhật Bản), KOTRA, KOCHAM (Hàn Quốc), AMCHAM (Hoa Kỳ), EUROCHAM (Châu Âu) và các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài khác tại Việt Nam để đẩy mạnh công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư… Lãnh đạo tỉnh cũng trực tiếp làm việc với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn, để kêu gọi đầu tư vào các dự án lớn, quan trọng trên địa bàn tỉnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 11 dự án vốn đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký đầu tư hơn 752 tỷ đồng. |
Theo Diendandoanhnghiep.vn