Chủ Nhật, 24/11/2024 02:09:38 GMT+7
Lượt xem: 582

Tin đăng lúc 06-02-2023

Làm gì để hiện thực hoá mục tiêu xuất khẩu đạt 394 tỉ USD trong năm 2023?

Bộ Công Thương cho biết, dự kiến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 đạt mức tăng khoảng 6% so với năm 2022, tương đương kim ngạch xuất khẩu từ 393 - 394 tỉ USD. Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp cũng đang tăng tốc để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU.
Làm gì để hiện thực hoá mục tiêu xuất khẩu đạt 394 tỉ USD trong năm 2023?
Doanh nghiệp dệt may tích cực thực hiện các đơn hàng ngay từ đầu năm 2023. Ảnh: Cường Ngô

Doanh nghiệp tăng tốc ngay từ đầu năm 2023

 

Ngày mùng 6 Tết, 100% công nhân Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm đi làm trở lại. Các phân xưởng, máy móc của công ty đã hoạt động 24/24 giờ, không có tình trạng nhảy việc, xin nghỉ việc.

 

Để có điều này, theo ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc công ty là "không dễ", bởi năm 2023 được dự đoán có nhiều khó khăn, thách thức với ngành dệt may.

 

"Chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng. Không chỉ nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới, mà còn chấp nhận bù giá để duy trì và tạo việc làm ổn định cho người lao động.

 

Nếu như những năm 2021 và nửa đầu năm 2022, chúng tôi được phép chọn lựa đơn hàng cho phù hợp với dây chuyền, tiêu chuẩn của công ty, song từ cuối năm 2022 đến nay có đơn hàng nào nhận đơn hàng đó. Thậm chí nhiều đơn hàng bị đối tác "ép giá" hạ giá trị xuống một nửa công ty vẫn buộc phải ký để duy trì sản xuất", ông Trịnh nói với Báo Lao Động. 

 

Cũng theo ông Trịnh, hiện nay, đơn hàng công ty ký đến tháng 4.2023, song theo tính toán công ty không có lãi, nhưng đổi lại giữ ổn định sản xuất, giữ chân người lao động. 

"Thông thường bước vào quý 2 sẽ là cao điểm đơn hàng trong khi đó ngành dệt may có đặc thù riêng dù lao động giản đơn nhưng để tuyển nguồn nhân lực có nghề không dễ, vì vậy, chúng tôi chấp nhận bù giá để giữ vững sản xuất.

 

Hy vọng thời gian tới tình hình sẽ khởi sắc, công ty sẽ có những đơn hàng lớn bù cho những tháng bị ép giá", ông Trịnh nói.

 

Những tháng đầu năm 2023, hàng nghìn công nhân của Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cũng đang hối hả sản xuất, gia công chế biến sầu riêng, xoài, mít... cho chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên trong năm mới sang thị trường Mỹ, Nhật, Úc, Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan...

 

Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc công ty cho hay, năm 2022, doanh nghiệp đã xuất khẩu được 300.000 tấn trái cây các loại. Trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các hoạt động giao dịch, kết nối với khách hàng quốc tế vẫn được duy trì. Nhờ đó, công ty liên tiếp có được những đơn hàng mới và ra quân đầu năm với khí thế sôi nổi.

 

"Hiện nay, tuy số lượng đơn hàng cho cả năm 2023 chưa nhiều nhưng ngay từ mùng 6 Tết, chúng tôi đã tăng cường thêm hơn 20% nhân sự để tăng tốc thu mua, chế biến, đóng gói các sản phẩm hoa quả nhằm giao kịp cho đối tác.

 

Năm 2023, chúng tôi đã lên mục tiêu đạt lượng hàng xuất khẩu tăng ít nhất gấp đôi so với năm ngoái", bà Vy chia sẻ.

 

Xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393 - 394 tỉ USD

 

Tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng và mở rộng thị trường xuất khẩu 2023 vào cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành Công Thương tiếp tục đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, sản xuất những loại hàng hóa thế giới cần chứ không chỉ bán những thứ đang có, tận dụng tối đa các FTA.

 

"Khi tổng cầu hàng hóa giảm thì rõ ràng, cần tập trung thúc đẩy việc đa dạng hoá sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng. Các ngành hàng, doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu để sản xuất những loại hàng hóa mà thế giới cần chứ không phải bán những thứ ta đang có", Thủ tướng chỉ đạo.

 

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng dự báo những khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu cuối năm 2022 chưa thể khắc phục ngay và sẽ kéo dài sang đầu năm 2023.

 

"Sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 do vậy sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.

 

Song, ông Hải cho rằng, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong nước vẫn có những điểm tựa tích cực, một trong số đó là hệ thống 15 hiệp định thương mại đang thực thi, với nhiều FTA thế hệ mới.

 

"Điều này sẽ tiếp tục tạo thuận lợi để hàng hóa gia tăng giá trị xuất khẩu, từ đó tận dụng ưu đãi thuế quan, tạo thêm động lực cho sản xuất", ông nói và cho hay, xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393 - 394 tỉ USD, tăng thêm 22 tỉ USD so với năm 2022.

 

Theo laodong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang