Thứ Ba, 26/11/2024 11:36:22 GMT+7
Lượt xem: 8409

Tin đăng lúc 29-01-2019

Làm sao để cải cách môi trường kinh doanh bền vững?

Tính tới năm 2018, tròn 5 năm Nghị quyết 19/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN và 2 năm Nghị quyết 35/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được thực hiện. Trên chặng đường đã qua, hiệu quả của việc thực hiện các nghị quyết (NQ) đã được ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt được kì vọng của cộng đồng DN Việt Nam. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cải cách bền vững và thực chất vẫn còn là dấu hỏi lớn, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn từ nhiều bộ ngành.
Làm sao để cải cách môi trường kinh doanh bền vững?
Trong những năm qua, EVN đã nỗ lực không mệt mỏi, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại VN

Số 19 đã được sử dụng trong 5 năm liên tiếp để đặt tên cho các NQ về cải thiện môi trường kinh doanh hàng năm của Chính phủ với mục tiêu nhất quán là Việt Nam phải lọt vào nhóm 4 quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất Đông Nam Á. Bên cạnh nhiệm vụ tạo lập môi trường kinh doanh ổn định và khuyến khích khởi nghiệp thì Nhà nước kiến tạo phát triển còn có vai trò quan trọng là hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn trong quá trình kinh doanh. Để thực hiện chức năng này, Chính phủ đã ban hành NQ 35 năm 2016 về hỗ trợ DN, đây là NQ cho cả nhiệm kì với các mục tiêu cụ thể về phát triển DN. Theo đó, đến năm 2020, VN có được ít nhất 01 triệu DN hoạt động, khu vực tư nhân phải đóng góp khoảng từ 48-49% GDP, khoảng 49% tổng đầu tư toàn xã hội.

 

Môi trường kinh doanh đã được cải thiện

 

Tính đến hết tháng 10/2018, đã có 15 Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành thuộc các lĩnh vực Công Thương; Xây dựng; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn hóa Thể thao và Du lịch; Tài nguyên Môi trường; Giáo dục- Đào tạo; Giao thông vận tải; Nông nghiệp...

 

Sau 5 năm thực hiện NQ 19, hầu hết các chỉ số của môi trường kinh doanh đều cải thiện. Môi trường kinh doanh liên tục tăng về điểm số và thậm chí tăng rất nhanh trong năm 2017. Năm 2018, tuy môi trường kinh doanh giảm 01 bậc, nhưng có tới 08/10 chỉ số cải thiện về điểm số như khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng.

 

Trong đó có thể kể đến chỉ số tiếp cận điện năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thăng hạng vượt bậc, đạt được mức xếp hạng cao nhất từ trước đến nay với 87,94 điểm - đứng ở vị trí 27 trên tổng số 190 quốc gia/nền kinh tế - tăng 37 bậc so với xếp hạng năm 2017 và là nền kinh tế có chỉ số Tiếp cận điện năng cải thiện vị trí nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á. 

 

Tuy nhiên chưa đồng đều

 

Không thể phủ nhận những nỗ lực của cải cách trong thời gian qua đã có kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên mức độ và tốc độ cải cách của VN đang chậm hơn so với các nước trong khu vực. Kết quả đạt được còn có khoảng cách so với mục tiêu của chính phủ đề ra, cũng như mong muốn của cộng đồng DN, người dân. Các DN được khảo sát về môi trường đầu tư kinh doanh nhìn chung đều có sự cải thiện, tuy nhiên lại chưa đồng đều.

 

Theo ghi nhận của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cải cách tư pháp ở nhiều địa phương đang diễn ra rất chậm. Tình trạng nhũng nhiễu, chạy án được cho là nguyên nhân khiến DN ngại khởi kiện. Báo cáo xếp hạng Doing Business 2019 của Ngân hàng thế giới cho thấy môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam xếp hạng thứ 69/190 nền kinh tế, với 66,77/100 điểm. Như vậy, bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của VN năm nay đã bị tụt 1 bậc so với năm trước.

 

Bên cạnh những kết quả quan trọng của cải cách môi trường kinh doanh, vẫn còn tồn tại sự không đồng bộ, thiếu phối hợp, nhất quán giữa các cấp, các bộ, ngành, địa phương, vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Chính vì thế, vai trò của người đứng đầu bộ, ngành địa phương rất quan trọng. Địa phương nào mà người đứng đầu quyết liệt, tích cực, có chỉ đạo, kiểm tra, thì ở đó có kết quả cải cách tích cực, thực chất.

 

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW) cho biết: “Chúng ta đã làm rất nhiều, nỗ lực rất nhiều và đã có kết quả, nhưng chúng ta vẫn giảm bậc trong bảng xếp hạng của thế giới. Điều đó cho thấy nỗ lực của VN nhưng chưa đủ mạnh, chưa đủ tốt để có thể cải thiện được môi trường kinh doanh. Chính vì vậy rất cần sự vào cuộc rộng rãi, mạnh mẽ hơn nữa của các bộ ngành”.

 

Vẫn tồn tại thủ tục rườm rà, “hành” doanh nghiệp

 

Theo khảo sát của VCCI, từ góc độ của các DN, việc phải xin các giấy phép con còn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn, vẫn có trên 50% DN phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong đó, có 42% DN cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.

 

Trong minh bạch công tác thanh, kiểm tra, khá nhiều DN vẫn phàn nàn tình trạng bị thanh, kiểm tra quá nhiều lần và có nội dung trùng lặp. Theo PCI năm 2017, tỷ lệ DN bị thanh, kiểm tra 2 lần trở lên/năm vẫn lên đến gần 40%, trong đó có 13% DN cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các đoàn kiểm tra.

 

Có đến 43% số DN bị thanh tra về thuế, 30% về an toàn phòng cháy chữa cháy và 20% về quản lý thị trường khi được hỏi, cho biết họ chưa bao giờ tiếp một đoàn kiểm tra liên ngành mà các cơ quan chức năng vẫn đi riêng, kiểm tra riêng, khiến DN mất nhiều thời gian.

 

Theo TS. Nguyễn Đình Cung  - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW “Chỉ khi nào chúng ta có phương thức quản lý mới thay thế được phương thức quản lý cũ, thì lúc đó giấy phép con, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính sẽ không “mọc” lại, còn nếu không thì nó sẽ tiếp tục mọc lại như mười mấy năm qua”. Theo TS Cung, về dài hạn cần phải chuyển sang một hình thức quản lý mới từ tiền kiểm mạnh sang hậu kiểm dựa trên mức độ rủi ro, tuân thủ của DN, người dân và áp dụng đầy đủ công cụ điện tử. Lấy ví dụ về điều này, theo TS. Cung, Quảng Ninh là tỉnh đang thực hiện tốt với mô hình chính phủ không giấy tờ.

 

Cải thiện môi trường kinh doanh chính là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, cho sự thịnh vượng của quốc gia. Việt Nam đang đứng trước nhiều vận hội mới, vì vậy việc rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa văn bản và đời sống là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước. Không thể hài lòng so sánh hôm nay với hôm qua, mà phải nhìn xa trông rộng tạo ra động lực và áp lực nhiều hơn cho cải cách thể chế nói chung và cải thiện môi trường kinh doanh nói riêng, có như vậy phát triển kinh tế mới trở lên bền vững và thực chất.

 

Trường An


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang