Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thì các cơ chế, chính sách trong khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được đặt ra nhiều năm nay, nhưng chuyển biến trong xây dựng khung pháp luật, cơ chế chính sách cho lĩnh vực này kết quả còn rất hạn chế. Hiện tại chúng ta mới có Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ năm 2012 về khuyến khích công nghiệp hỗ trợ. Qua 3 năm, Quyết định này phát huy tác dụng còn hạn chế, vì thế cho nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định về công nghiệp hỗ trợ.
Cùng với đó là năm 2014, Bộ Công Thương cũng đã chủ trì và triển khai nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, các ngành, địa phương, tổ chức nhiều hội thảo có sự tham gia của đại diện các địa phương, doanh nghiệp và trình Chính phủ xem xét, thông qua thẩm tra của Bộ Tư pháp. Mặc dù vậy vẫn còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế mà cơ quan chức năng của các Bộ, ngành và địa phương chưa có những giải pháp hữu hiệu.
Thứ nhất, những doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thì hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không nói phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Các doanh nghiệp này cũng không phải là mạnh, do đó khi tham gia sâu vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mà không được sự hỗ trợ từ Chính phủ và địa phương thì vô cùng khó khăn. Điều này là tất yếu bởi các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ thì việc chờ Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ là không khả thi. Sự ưu đãi cho ngành CNHT hầu như chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn, trong khi các doanh nghiệp CNHT thường là nhỏ và vừa, lại gần như chưa được quan tâm khi thu hút đầu tư nước ngoài. Ví dụ, Điều 4 của Quyết định 12/2011/QĐ-TTg chỉ có thể thực hiện được đối với các doanh nghiệp lớn, dự án lớn, nhưng rất khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, là đối tượng chính sản xuất CNHT.
Thứ hai, các chính sách về CNHT nhiều nhưng thiếu hiệu quả, chưa đủ mạnh, doanh nghiệp chưa thấy được những yêu cầu hay ưu đãi mà họ sẽ có, nội dung còn quá chung chung, không đặc thù đối với lĩnh vực CNHT, nên chưa phát huy được tác dụng và hỗ trợ tốt. Những văn bản pháp quy ở dạng quy phạm pháp luật cao hơn, cụ thể và sát thực rõ ràng hơn, xây dựng các rào cản kỹ thuật cần thiết cho từng chủng loại sản phẩm của CNHT đến nay vẫn chưa có.
Thứ ba, sự kết hợp giữa chính sách của các ngành liên quan còn yếu, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ với các ưu đãi không dễ dàng do thủ tục, quy trình thường phức tạp giữa các cơ quan và thiếu tiêu chí cụ thể. Trong thực tế, các doanh nghiệp CNHT chỉ được hưởng các ưu đãi ngang với doanh nghiệp cùng loại kinh doanh lĩnh vực khác.
Các đại biểu thăm Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản
Thứ tư, CNHT chưa phát triển theo mô hình thượng nguồn gồm cơ khí chế tạo chi tiết; sản xuất linh kiện điện tử; linh kiện đồ nhựa; sản phẩm hóa chất... Với mô hình này, các sản phẩm CNHT đáp ứng cho nhiều ngành nghề, trong đó có ô tô, từ đó, tiết kiệm chi phí sản xuất và tập trung được nguồn lực đầu tư. Do vậy, chưa tạo ra được các cụm tổ hợp (cluster) CNHT để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho nhau qua đó áp dụng chính sách nhà nước một cách trực tiếp và thống nhất.
Từ việc nhìn nhận các yếu điểm hiện nay, việc phát triển CNHT đảm bảo tuân theo quy luật cơ chế thị trường trong nước và quốc tế, lấy doanh nghiệp nhỏ và vừa làm nòng cốt đi theo và nằm trong các cụm tổ hợp CNHT. Trên cơ sở thu hút nhà đầu tư chiến lược FDI và hệ thống CNHT đi kèm, cần có chính sách khuyến khích các nhà cung cấp của nhà đầu tư này vào CNHT.
Cần lựa chọn mô hình và cấu trúc phát triển CNHT phù hợp vùng miền, theo đó cân nhắc xây dựng 3 cụm tổ hợp CNHT ở 3 miền Bắc, Trung, Nam trên cơ sở lấy các doanh nghiệp mạnh làm trung tâm đi kèm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, từ đó có chính sách đặc biệt ưu đãi thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia, tăng cường liên kết trong và giữa các cụm này. Chính sách phát triển CNHT cho ngành công nghiệp, đặc biệt trong một số lĩnh vực công nghệ cao rất đa dạng và đa ngành nên cần xác định rõ ưu tiên cho từng lĩnh vực, trong từng giai đoạn, có trọng tâm, trọng điểm.
Phát triển CNHT cần tranh thủ sự hỗ trợ của nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc. Cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ CNHT và cơ chế ưu đãi tài chính, cho vay, đất đai và cơ sở hạ tầng… đi kèm thích hợp để thu hút đầu tư trong nước.
Mai Nguyên