Thứ Sáu, 22/11/2024 06:29:55 GMT+7
Lượt xem: 1974

Tin đăng lúc 17-04-2020

Làm thế nào để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa khai thác tốt cơ hội xuất khẩu gạo?

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề xuất của Bộ Công Thương cho xuất gạo trở lại trong tháng 4/2020 nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống. Đồng thời, giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.
Làm thế nào để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa khai thác tốt cơ hội xuất khẩu gạo?
Các chuyên gia cho rằng sản lượng lúa gạo năm nay hoàn toàn đảm bảo được ANLT

Đây là quyết định được Thủ tướng đưa ra sau khi căn cứ vào kết quả rà soát của đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình lúa gạo và ý kiến của các bộ ngành liên quan.

 

Được mùa, được giá, xuất khẩu gạo tăng mạnh

 

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sản xuất lúa gạo cho biết, năm 2020, lượng thóc của Việt Nam dự kiến đạt 43,5 triệu tấn, nhu cầu tiêu dùng và dự trữ trong nước khoảng 30 triệu tấn thóc, như vậy còn dư khoảng 13,5 triệu tấn thóc tương đương 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo cho xuất khẩu.

 

Tính đến 15/3/2020, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,298 triệu tấn, tăng 26,5%; giá trị đạt 602 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, riêng 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh, với mức tăng 595% về lượng và 724% về kim ngạch, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu USD. Thêm vào đó, giá gạo Việt Nam xuất khẩu cũng tăng khá cao, tiếp tục thu hẹp khoảng cách với những đối thủ cạnh tranh khác là Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ.

 

Có thể thấy, theo các dự báo thì năm nay dường như sẽ là năm bội thu của ngành lúa gạo Việt Nam, chúng ta đang có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng giá sản phẩm. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch covid-19 trên thế giới và cả ở Việt Nam đã dẫn đến nhu cầu một số mặt hàng thiết yếu nhu yếu phẩm, trong đó có gạo đang tăng rất nhanh; nhu cầu tăng dự trữ lương thực để bảo đảm cuộc sống cho người dân cũng xuất hiện ngày càng nhiều làm cho giá cả trên thị trường thế giới biến động mạnh. Trong khi đó, ở trong nước tình trạng xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra hết sức gay gắt, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn ha trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Nếu chúng ta không có một kế hoạch cụ thể để đối phó với vấn đề này thì Việt Nam sẽ đứng trước rủi ro thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước.

 

Đảm bảo an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu

 

Trước thực tế như trên, để đảm bảo an ninh lương thực, Bộ Công Thương đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cân nhắc một số phương án, trong đó có phương án tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo và xem xét cấp Giấy phép xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, sau khi nhận được ý kiến phản hồi của một số địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, cần có sự đánh giá lại về sản lượng thóc, gạo vụ Đông Xuân năm nay cũng như lượng tồn kho thực tế trong dân và tại các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại. Sau khi có kết quả cuối cùng, Bộ đã đề xuất cho xuất khẩu gạo trở lại nhưng có phải kiểm soát chặt chẽ số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5. Trong tháng 4, kiến nghị cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo vào tuần cuối cùng của tháng 4, sau đó, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo tháng 5.

 

Đề xuất trên của Bộ Công Thương được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá là có trách nhiệm và hợp lý trong thời điểm này để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đảm bảo lượng gạo xuất khẩu để không ảnh hưởng tới khách hàng, cũng như không đánh mất cơ hội của cả người nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu. Sau khi nghe ý kiến từ các bộ ngành, ngày 10/4/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương, đồng thời, yêu cầu Bộ này xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài kể cả đến hết năm 2020, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/4/2020.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, trong trường hợp xảy ra tình huống xấu nhất là dịch bệnh kéo dài, thiên tai hoành hành thì chúng ta vẫn có khả năng bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia. Bởi, thứ nhất, chúng ta có dự trữ quốc gia; thứ hai, theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP yêu cầu các doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông 5% lượng xuất khẩu trước đó, nếu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc thì chúng ta có một lượng dự trữ nữa trong các doanh nghiệp; thứ ba, Bộ Công Thương đã chuẩn bị tất cả các kịch bản về lưu thông, phân phối hàng hoá để không xảy ra việc thiếu gạo cục bộ ở bất kỳ địa phương, khu vực nào; thứ tư, các vụ lúa gieo trồng cũng tương đối nhanh. Trong thời gian ngắn chúng ta có thể phục hồi sản xuất và đáp ứng nhu cầu trong nước.

 

 

Đảm bảo an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu

 

Để đạt “mục tiêu kép”

 

Theo TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế, để đạt được “mục tiêu kép” là vừa đảm bảo được an ninh lương thực, đồng thời, vừa khuyến khích xuất khẩu, khai thác được cơ hội thị trường, đặc biệt là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Đảm bảo sự dự trữ dư dả cho 100 triệu dân về lương thực, để ngay cả khi thiên tai biến đổi hay dịch Covid-19 kéo dài cả năm, chính sách xuất khẩu gạo trong mùa Covid-19 vẫn không bị ảnh hưởng thì các hợp đồng xuất khẩu đã ký trước đây cần tiếp tục triển khai, đồng thời, những hợp đồng mới cũng vẫn phải tiếp tục ký kết dựa trên nhu cầu cân đối từng tháng. Tiếp đến, cần kiểm soát chặt chẽ số liệu dự trữ thực sự và quản lý xuất khẩu chính ngạch để đảm bảo xuất khẩu đúng số lượng. Cuối cùng, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, từ kiểm tra, kiểm soát, thống kê, tổng kết đến điều chỉnh chính sách.

 

Có thể nói, trong bối cảnh lúa gạo trong nước đang vào mùa bội thu nhưng dịch bệnh Covid-19 chưa biết đến khi nào mới kết thúc, thời tiết và biến đổi khí hậu lại diễn ra phức tạp thì việc vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa không bỏ lỡ cơ hội khai thác thị trường xuất khẩu có lẽ là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong thời điểm này. Nhưng dù thế nào thì chính sách lúa gạo cũng cần phải hài hòa, hợp lý để tránh thiệt hại, trước tiên là cho người nông dân, tiếp đến là cho chiến lược phát triển ngành lúa gạo bền vững để có thể sẵn sàng thích ứng trong mọi hoàn cảnh.

 

Vũ Minh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang