Từ ký ức về làng chài nghèo...
Trong ký ức của tôi chừng 30 năm trước, hình ảnh các mẹ, các chị quê xã Nhân Trạch kĩu kà kĩu kịt từng gánh mắm, cá khô các loại, vượt qua những cồn cát và quãng đường mấy chục cây số lên bán ở vùng đồng quê chiêm trũng Lệ Thủy giờ vẫn chưa quên được. Ðến nơi, họ tìm người quen hoặc những gia đình thường xuyên mua mắm để xin trú lại bán hàng dăm bữa, nửa tháng mới trở về.
Mẹ tôi từng dạy học ở Nhân Trạch. Nhiều người trong số phụ nữ ở xã biển này gánh cá khô, mắm lên Lệ Thủy bán là học sinh cũ của bà. Cô, trò nhận ra nhau mừng mừng, tủi tủi. Thế là nhà tôi không biết tự bao giờ thành nơi tạm trú cho các gánh cá di động kia. Căn nhà cấp bốn cũ kỹ lúc nào cũng ngai ngái mùi cá khô, mắm khúc. Cái chất giọng kẻ biển khác với kẻ ruộng và tấm thịnh tình, mộc mạc như cát của những người phụ nữ này đã làm nên hình ảnh thân thuộc, gắn bó với vùng đất "thẳng cánh cò bay" Lệ Thủy lúc bây giờ. Các mẹ, các chị không chỉ bán mà còn đổi mắm, cá khô lấy gạo đưa về. Thuận mua, vừa bán, vừa đổi, nên khi trở về lại Nhân Trạch, các mẹ nặng gánh lương thực để có cái ăn trong những ngày biển động. Vùng cát Quảng Bình lúc bấy giờ chưa có đường. Ðể đi được trên cát, người dân ở đây thường phải dùng hai miếng gỗ nhỏ, mỏng, nhẹ dùi ba lỗ rồi xâu sợi dây vào đi như dép tông bây giờ. Ðôi dép tông gỗ tự chế đó giúp họ đi không bị lún và đỡ nóng chân trên cát bỏng trưa hè. Bằng đôi dép tông đơn sơ đó và đôi vai dẻo dai vượt qua bao năm tháng của người phụ nữ, hàng nghìn, hàng nghìn tấn hải sản đã băng qua những cồn cát chang chang nắng, đến với mọi làng quê trong tỉnh, giúp người dân vượt qua khó khăn lúc bấy giờ.
Dòng sông Dinh chia Nhân Trạch thành hai nửa: Nam Dinh và Bắc Dinh; phía đông thì giáp biển, trước kia chưa có kè, nên năm nào cũng sạt lở. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh biển "ngoạm" mất nhà dân, nhiều người phải đôn đáo tìm chỗ tá túc trong đêm chỉ sau một trận cuồng phong của biển. Xã nghèo, người dân sống ken dày trên vùng cát nhỏ hẹp dọc sông và sát biển, luôn thon thót lo sạt lở mất đất, mất nhà. Là xã bãi ngang không có tàu to máy lớn, ngư dân đánh bắt ở vùng lộng cho nên thu nhập bấp bênh. Từng có năm Nhân Trạch quay quắt trong cái đói do biển động thường xuyên, mất mùa hải sản. Thế rồi, khoảng 10 năm trước, người dân Nhân Trạch đã tìm được lối mở để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói, nghèo. Ðó là xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới. Thu nhập của người Nhân Trạch đi xuất khẩu lao động gửi về không chỉ đủ trả chi phí mà còn giúp tích lũy làm giàu, góp sức dựng xây quê hương.
…đến "Làng Xơ-un" Nhân Trạch
Người Nhân Trạch quen gọi ngôi làng mới phía nam bờ sông Dinh là "Làng Xơ-un", không phải vì có người Hàn Quốc sinh sống hoặc có kiến trúc giống thủ đô Xơ-un mà là thành quả của những gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Từ thành phố Ðồng Hới, theo con đường trải nhựa phẳng lỳ chạy ven biển chỉ vài cây số, chúng ta gặp một ngôi làng mọc lên trên vùng cát trắng, ở đó có nhiều ngôi nhà khang trang, kiến trúc hiện đại nằm san sát nhau, tựa như một khu đô thị mới được quy hoạch bài bản.
Anh Phạm Quang Tuyên, người làng mới này nhớ lại, trước đây, người dân mưu sinh bằng những chiếc thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ, nên đời sống khó khăn. Sau đó anh theo nhiều người vay vốn, sang Hàn Quốc làm việc. Sau bảy năm lao động ở xứ Kim Chi, anh Tuyên về quê với một lưng vốn kha khá. Anh quyết định ra vùng cát trắng phía nam làng để lập nghiệp, an cư. Ðến nay làng mới của thôn Nhân Quang có gần 200 căn nhà hai, ba tầng được xây dựng cầu kỳ, nhiều mái; có căn rộng và lộng lẫy như biệt phủ mà chủ nhân đều đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Vì thế, người Nhân Trạch gọi vui là "Làng Xơ-un". Ghé thăm nhà ông Phan Văn Khiển, ở thôn Nhân Quang, tôi ngạc nhiên khi biết rằng, từ một hộ hoàn cảnh khó khăn, giờ đây gia đình ông Khiển có cơ ngơi mà ai cũng mơ ước. Có được thành quả ấy là nhờ ba trong số năm người con ông đi xuất khẩu lao động nhiều năm tích góp, xây dựng nên. Ông Khiển chia sẻ, người dân thôn Nhân Quang trước kia sống bám biển không đủ ăn. Từ khi xuất khẩu lao động, với nguồn thu nhập từ nước ngoài, thôn thay đổi hẳn. Nhà cửa mọc lên khang trang, đời sống bà con cũng được nâng lên. Hiện xuất khẩu lao động là hướng đi chính, giúp thôn làm giàu. Những người già như ông không đi xuất khẩu lao động được thì vẫn bám biển chủ yếu để có nguồn thực phẩm tươi sống chứ không còn nặng gánh mưu sinh.
Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch Nguyễn Văn Nghị nói thêm, đến nay, toàn xã có hơn 1.600 lao động đang làm việc ở nước ngoài, mỗi năm gửi về quê hơn 200 tỷ đồng, tạo nên nguồn lực lớn để xây dựng quê hương. Bây giờ bộ mặt của xã thay đổi hẳn, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, đồ dùng, trang thiết bị đắt tiền phục vụ sinh hoạt trong gia đình không thiếu. Việc huy động sức dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng như làm đường giao thông, điện sinh hoạt, nhà văn hóa cũng thuận lợi hơn.
Và làng biển thú vị
Nhân Trạch có bờ biển dài chừng ba cây số, phong cảnh rất đẹp. Buổi sáng trong bảng lảng sương mai, làng chài hiện ra như một bức tranh thủy mặc khổng lồ thơ mộng. Nhấp nhô trên sóng bạc đầu xa xa là những đoàn thuyền đang hối hả trở về bờ mang theo hải sản tươi ngon.
Khi bình minh vừa rạng, bến cá xã Nhân Trạch rất nhộn nhịp. Bên chân sóng, tấp nập thuyền bè rũ lưới, chuyển cá, mực vào; trên triền cát, cảnh người đón, người mua rộn ràng, hối hả.
Ở đây du khách có thể hòa mình cùng ngư dân khi lội ào xuống biển để kéo thuyền nhỏ hay giúp đẩy thuyền thúng đầy cá nặng, vượt qua từng đợt sóng vào bờ. Mùi nồng của nước biển mặn, mùi tanh của cá, mực hòa quyện trong tiếng sóng và tiếng gọi nhau của ngư dân, mang lại cảm giác khó quên. Lúc đưa thuyền cá vào bờ đừng quên check-in trải nghiệm hấp dẫn này hoặc chụp lại những tấm hình để làm kỷ niệm. Nếu không thích xuống bến đợi cá, du khách có thể ngồi vắt vẻo trên bờ kè bê-tông dọc bãi cát, nhìn ra mặt biển vời vợi. Trên mặt nước xanh bao la, vầng dương đỏ au dần nhô lên từ phía chân trời xa thẳm. Chỉ cần đưa tay ra là có thể như "hứng" được mặt trời trong bàn tay qua khung hình tuyệt đẹp. Từ đây cũng quan sát hết được mọi hoạt động của các bến cá và chụp được những tấm ảnh với góc chụp rộng, sinh động về thuyền, biển cả và dòng người lội cát gánh cá lên đường làng trong ánh bình minh rực rỡ... Hòa trong dòng người của đông đúc chợ cá, tôi gặp chị Thu Hà, đến từ Hà Nội. Chị chia sẻ, chị dậy rất sớm để được đắm mình vào khung cảnh tuyệt đẹp ở bãi biển. Phải đến tận nơi, được hòa mình vào trong những thanh âm của cuộc sống nơi đây mới cảm nhận được sự độc đáo của làng biển Quảng Bình.
Người Nhân Trạch chất phác, hiền lành. Khách muốn nghỉ đêm giữa làng chài này đều được đón nhận. Hoặc nếu không, đi ra bãi biển đón thuyền chiều đưa hải sản vào bờ mua ít cá, mực còn nhảy lép bép dưới lòng thuyền lên và đốt lửa nướng rồi nhâm nhi. Khuya, nằm ngửa, dang tay giữa cát, dưới bầu trời đầy sao và hiu hiu gió nồm mà đánh một giấc say sưa cho đến bình minh của ngày hôm sau. Ở Quảng Bình, du khách thường nói với nhau rằng, muốn ăn món mì tôm - mực tươi ngon thì không đâu hơn ở biển Nhân Trạch. Sáng sớm tinh mơ, khi đã được trải nghiệm chợ cá bên chân sóng, du khách mua ít mực tươi vào nhờ nhà dân hoặc quán nhỏ nào đó luộc qua rồi chế vào bát mì tôm có thêm ít hành, ngò... bảo đảm sẽ có món ăn dân dã, rẻ tiền nhưng thơm lừng và nhớ mãi!
Ở Nhân Trạch còn một trải nghiệm hấp dẫn nữa không thể bỏ qua. Ðó là dừng chân ngắm những cồn cát vàng trải dài sát ngay bên đường và chơi trò trượt cát thú vị. Ðồi cát nơi đây có độ cao gần 100 m. Trên hành trình chinh phục, du khách thấy được sự hùng vĩ, bao la của thế giới cát và vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ của nó với những vân cát được thay hình đổi dạng hằng ngày, hằng giờ bởi gió biển thổi suốt ngày đêm. Nếu nhiều thời gian, khách cùng nhau trèo lên đỉnh những cồn cát, phóng tầm mắt về trung tâm thành phố Ðồng Hới xa xa hay nhìn biển rực lên trong mầu đỏ, hồng của ánh bình minh. Chị Thu Hà không giấu được sự thích thú chia sẻ: "Khi leo lên đỉnh đồi cát thì hơi mệt một chút. Nhưng buổi sáng gió mát trong lành nên mệt mỏi cũng qua nhanh. Từ đỉnh đồi, nằm lên tấm ván trượt và lao mình xuống cho ta cảm giác thích thú giữa bao la, ngồn ngộn những triền cát".
Hiện nay, Nhân Trạch được biết đến với vùng biển giàu tiềm năng về du lịch đang được nhiều doanh nghiệp đầu tư khai thác. Tại đây đã có những khu resort, khách sạn mọc lên để thu hút du khách. Một công ty du lịch đã tổ chức tua tham quan và trải nghiệm làng biển Nhân Trạch, trong đó có trò chơi trượt cát không chỉ được người dân địa phương mà du khách rất ưa thích khi đến với Quảng Bình.
Theo báo Nhân dân