Thứ Bẩy, 23/11/2024 04:29:04 GMT+7
Lượt xem: 1092

Tin đăng lúc 11-04-2022

Lạng Sơn làm mới mình để nắm bắt cơ hội mở cửa du lịch

Cùng với ngành du lich cả nước, du lịch Lạng Sơn đang có sự thay đổi rõ rệt, tích cực kết nối để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng hình ảnh, uy tín với du khách trong và ngoài nước.
Lạng Sơn làm mới mình để nắm bắt cơ hội mở cửa du lịch
Xu hướng khách du lịch cũng sẽ không đi vào những khu trung tâm như trước, mà chuyển hướng vào những bản làng dân tộc, những khu lịch cộng đồng để tận hưởng không khí trong lành

Chuẩn bị cho mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ 15/3, các cơ sở lưu trú uy tín trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều chỉnh trang cơ sở vật chất, xây dựng chương trình ưu đãi, giảm sâu các loại giá dịch vụ. Nhiều điểm du lịch cộng đồng như Khu du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, Vũ Lăng (Bắc Sơn); Mẫu Sơn (Lộc Bình) hay Yên Thịnh (Hữu Lũng) đa dạng hóa các dịch vụ giải trí, tăng cường quảng bá trên mạng xã hội… nhằm thu hút đông đảo hơn nữa du khách tới tham quan, trải nghiệm.

 

Anh Dương Công Hành, Chủ cơ sở Khu du lịch sinh thái Mỏ Mắm (Bắc Sơn) cho biết: “Cơ sở của tôi đã chuẩn bị cơ sở vật chất để đón khách dịp vào hè này, cơ bản đủ để đón khách trong ngày. Năm nay chúng tôi chỉnh trang công viên sinh thái xanh, sạch và đẹp hơn. Hiện tại khách có thể đến tham quan chụp ảnh, tham quan hang động, tắm bể bơi, nghỉ dưỡng… và thời gian tới sẽ mở thêm một số dịch vụ nữa để phục vụ du khách như Khu picnic cho các nhà trường, hoạt động cho trẻ tập làm bánh, nấu ăn, trải nghiệm tại các bản làng. Cùng với đó, chúng tôi tổ chức thực hiện nghiêm theo quy định 5K, tại các chòi khách ngồi đều cách nhau từ 5-7m.”

 

Bà Hoàng Kim Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hiệp hội đã phối hợp Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh tổ chức các chương trình khảo sát tại  khu, điểm du lịch, xây dựng chương trình du lịch gắn với các điểm du lịch cộng đồng, trong đó chú trọng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Lạng Sơn “An toàn – hấp dẫn” đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ, nhân lực... Tuy nhiên, theo bà Thảo hầu hết các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng đều là đồng bào dân tộc thiểu số sở tại, dịch vụ của họ chỉ là ăn, ở cùng nhà dân và tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương chứ chưa nghĩ đến việc tổ chức các hoạt động kèm theo để tạo sức hút riêng biệt, cơ sở hạ tầng thì chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách. 

 

Bà Hoàng Kim Thảo cho rằng: “Đại diện cho các doanh nghiệp du lịch chúng tôi cũng mong chính quyền có sự quan tâm đầu tư tốt hơn nữa cho du lịch để Lạng Sơn xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Cá nhân tôi đánh giá việc đầu tư cho du lịch hiện nay chưa xứng tầm, vẫn còn rất thấp, kinh phí cấp cho mảng du lịch vẫn còn khá nhỏ bé, thậm chí còn kém hơn nhiều so với các tỉnh liền kề.”

 

Khách du lịch lưu trú lại Lạng Sơn chưa nhiều bởi họ thường đi vãn cảnh, lễ chùa, mua sắm rồi về trong ngày. Những đoàn khách lớn (trên 50 người) khá khiêm tốn,  chủ yếu là đi theo nhóm nhỏ, gia đình hoặc cá nhân. Xu hướng khách du lịch cũng sẽ không đi vào những khu trung tâm như trước, mà chuyển hướng vào những bản lng dân tộc, những khu lịch cộng đồng để tận hưởng không khí trong lành. Ông Lý Xuân Thạch, Giám đốc Công ty du lịch Tâm Phát Travel cho rằng: Các công ty lữ hành du lịch tại Lạng Sơn về cơ bản mỗi công ty đều có hướng đi riêng, chưa có tiếng nói chung, do vậy chưa có sự gắn kết để thực sự đưa du lịch phát triển mạnh và bền vững.

 

 

Cùng với ngành du lich cả nước, du lịch Lạng Sơn đang có sự thay đổi rõ rệt, tích cực kết nối để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng hình ảnh, uy tín với du khách trong và ngoài nước

 

Ông Lý Xuân Thạch nói: “Tôi nghĩ các cơ quan quản lý nên tổ chức nhiều cuộc Farmtrip, mời các đơn vị lữ hành, đơn vị truyền thông như báo chí, các youtuber... đi cùng để cùng nhau thực tế khảo sát, thiết kế về cung đường, lộ trình, trên cơ sở đó phối kết hợp để tạo ra sản phẩm du mang tính đặc trưng và đa dạng hơn, giúp mọi người biết đến Lạng Sơn với góc nhìn mới lạ, chứ không chỉ là đi cửa khẩu, đi lễ, đi chợ như trước nữa vì sản phẩm du lịch này cơ bản đã khá lạc hậu rồi.”

 

Để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Lạng Sơn sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Lạng Sơn; Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025; Tổ chức khởi công và xây dựng một số hạng mục chính của dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Mẫu Sơn và kết hợp tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa… Cùng với đó, để người dân thấy rõ những lợi ích mà du lịch cộng đồng mang lại, ngành Du lịch Lạng Sơn sẽ tiếp tục xây dựng chương trình tập huấn, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng cho người dân, có những chính sách hỗ trợ tiếp cận về vốn, để từ đó giúp họ thay đổi tư duy, quan tâm đầu tư khai thác sản phẩm du lịch này một cách bền vững…

 

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Để đảm bảo thích ứng an toàn linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh, chúng tôi đã xây dựng những kế hoạch hoạt động du lịch linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Trong đó chúng tôi đang hướng đến việc phát triển Du lịch cộng đồng trên địa bàn, tiếp tục xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Cùng với đó, chúng tôi cũng tập trung cho sự phát triển của Khu du lịch Quốc gia Mẫu Sơn thành Khu du lịch trọng điểm, qua đó kết nối với những tour tuyến trên địa bàn để tạo nên điểm đến du lịch an toàn, độc đáo của Lạng Sơn”./.

 

Theo Vov.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang