Thứ Hai, 25/11/2024 07:59:42 GMT+7
Lượt xem: 891

Tin đăng lúc 18-07-2023

Lãnh đạo Tổng cục QLTT nói về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu (Bài 1)

Thời gian gần đây, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng vẫn diễn ra khá phổ biến và tinh vi hơn. Thậm chí, trên các trang mạng xã hội, kênh thương mại điện tử còn xuất hiện với tốc độ, quy mô ngày càng lớn khiến cho lực lượng chức năng khó phát hiện và xử lý.
Lãnh đạo Tổng cục QLTT nói về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu (Bài 1)
Các lực lượng chức năng đột nhập kho hàng giả mỹ phẩm

Để không gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng, các cấp, các ngành cần có những giải pháp gì bảo vệ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ của người dân và doanh nghiệp? Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng đã tổng hợp một số ý kiến trả lời báo chí của ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.

 

PV: Xin ông cho biết, một số hành vi vi phạm hàng giả, hàng nhái và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp, cũng như quyền lợi của người tiêu dùng?

 

Ông Trần Hữu Linh: Trong hai năm 2021- 2022, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng QLTT, chúng tôi thấy rằng, cái nhức nhối của hàng giả, hàng nhái và hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng.

 

Đối với vấn đề thương hiệu, nhãn hiệu, trong khoảng 1 năm trở lại đây, chúng tôi liên tiếp nhận được những yêu cầu, những thắc mắc cũng như đề nghị phối hợp của các hãng lớn trên thế giới, hoặc là có nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Trong đó có các hãng sản xuất thực phẩm phục vụ hàng ngày của người dân như hãng bột ngọt Ajinomoto, hãng Acecook sản xuất mỳ gói, hai sản phẩm này đang được người Việt Nam tiêu thụ rất nhiều. Trong vòng 20 năm nay số gói mỳ tôm được bán ở thị trường Việt Nam gần 30 tỷ gói mỳ. Cả hai hãng này đều phàn nàn rằng, trên thị trường ngày càng nhiều bột ngọt và mỳ tôm làm giả, thậm chí làm giả cả gói gia vị trong gói mỳ. Những thương hiệu rất nổi tiếng về lĩnh vực sữa tắm, dầu gội… bị làm giả rất nhiều trên thị trường nội địa; đồ chơi trẻ em của hãng rất nổi tiếng thế giới đó là Lego của Đan Mạch cũng bị làm giả và họ đã làm việc với chúng tôi hai lần về việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Lego tại thị trường Việt Nam. Đối với sản phẩm thương hiệu của Việt Nam, hàng giả cũng được sản xuất trong thị trường nội địa, rất nhiều các mặt hàng của Việt Nam, thậm chí là những mặt hàng đồ ăn, thức uống đều được sản xuất làm giả, làm nhái trong thị trường nội địa, do vậy chúng ta đã thấy thương hiệu, nhãn hiệu giả ngày càng nhiều.

 

Góc độ sản phẩm bị làm giả, trong 1 năm trở lại đây có thể thấy rằng, đủ các chủng loại. Vừa rồi, lực lượng QLTT đã bắt giữ một vụ rất lớn liên quan đến tự sản xuất thực phẩm chức năng bán trên mạng, điều này rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng, ngay đến cả sản phẩm rất đắt tiền như mặt kính bếp từ của Đức, hãng kính của Ý đều có sản phẩm giả trên thị trường nội địa.

 

PV: Những phương thức, thủ đoạn buôn bán, sản xuất, tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng của các đối tượng là gì, thưa ông?

 

Ông Trần Hữu Linh: Về phương thức, chúng ta biết hàng giả có từ 2 nguồn, một là nguồn thẩm lậu từ nước ngoài, chúng ta được biết từ khi Covid-19 và hiện nay toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc là được rào kín, do vậy, việc hàng giả đưa qua các đường mòn, lối mở gần như bằng không, nhưng bây giờ các đối tượng vận chuyển hàng giả về bằng cách công khai, tức là tổ chức mở doanh nghiệp nhập hàng, trà trộn hàng giả vào rồi đàng hoàng đi qua các cửa khẩu chính thức. Một khi đã như thế thì số lượng là rất lớn, đòi hỏi tới việc các lực lượng chức năng phải phối hợp từ những đơn vị bảo vệ biên giới như là Biên phòng, Hải quan khi mà hàng giả lọt vào thị trường nội địa thì lực lượng QLTT, Công an cần phải có trách nhiệm. Phía biên giới miền Trung và Tây Nam Bộ, các tỉnh Long An, Tây Ninh… rất gần với TP. Hồ Chí Minh cho nên việc đưa hàng hóa lậu vào trong nội địa rất dễ dàng. Nguồn thứ hai là từ thương mại điện tử, bây giờ người bán, người mua không biết ở chỗ nào, đặt hàng rất là dễ, hàng hóa thì được cất trữ ở các địa điểm kho, bãi, trong gia đình, kể cả các chung cư cao cấp. Vậy việc xác minh người bán, kho hàng ở đâu là rất khó khăn, lực lượng QLTT rất khó khăn khi phải đương đầu.

 

Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả và xử phạt gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, vụ việc đó cũng đánh giá chưa đủ về vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

 

Hàng giả, hàng xâm phạm quyền thì thiệt hại đầu tiên chính là người tiêu dùng, tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp thì chúng tôi thấy rằng doanh nghiệp cũng bị rất nhiều thiệt hại. Đói với các doanh nghiệp nước ngoài làm ảnh hưởng mất lòng tin đến các đối tượng này mà chúng ta đều biết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng trong nền kinh tế đất nước.

 

Việc hàng giả quá nhiều trong nội địa làm các nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm đối vơi môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

 

 

Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương

 

Đối với các doanh nghiệp trong nước cũng biết rất rõ bị thiệt hại thương hiệu của doanh nghiệp, rất nhiều thương hiệu bị làm giả, làm nhái và nguy hiểm nhất là nó làm sói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với hàng giả, hàng giả nó vừa rẻ, người dân vẫn thỏa hiệp mua hàng rẻ, do vậy, thương hiệu sản phẩm cái mà doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi đối với vấn nạn hàng giả hiện nay.

 

PV: Vậy các cơ quan chức năng nhà nước đã triển khai các phương án để phòng, chống nạn buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và xâm hại quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ cho các DN chân chính?

 

Ông Trần Hữu Linh: Tôi hoàn toàn nhất trí quan điểm, để mà chống hàng giả, hàng nhái, hàng bị xâm hại quyền sở hữu trí tuệ, chúng ta phải quan tâm nhiều đến việc phòng ngừa, bởi vì, việc tổ chức kiểm tra của lực lượng QLLT hay là các lực lượng Công an, Hải quan… chỉ là phần ngọn, thấy có dấu hiệu thì đi kiểm tra. Hàng giả mà chủ thể là từ người bán, người sản xuất đến người tiêu dùng đều phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống hàng giả này. Do vậy, chúng ta phải ưu tiên đến cái hoạt động mang tính phòng ngừa. Đối với lực lượng QLTT thì trước hết đặt cái trọng tâm trong công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng bị xâm hại quyền sở hữu trí tuệ của các mặt hàng trong thị trường nội địa là nhiệm vụ chuyên môn quan trọng hàng đầu trong bối cảnh hiện nay.

 

Trong thời gian qua, Tổng cục QLTT được Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng nhiều văn bản ở cấp Nghị định, Thông tư để có biện pháp kiểm tra, có mức chế tài xử lý các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái, hàng bị xâm hại quyền sở hữu trí tuệ, hầu hết các mức xử phạt vi phạm hành chính hàng giả đều ở mức khung cao nhất.

 

Về mặt thực thi, ba năm trở lại đây, lực lượng QLTT đã xây dựng hẳn tuyến địa bàn trọng điểm, trong địa bàn đó có các tụ điểm nào nổi cộm về hàng giả thì ưu tiên xử lý tụ điểm đó trước. Chúng ta đều biết, Hà Nội có một thời gian rất dài ở khu vực quận Hoàn Kiếm, xung quanh Bờ Hồ như: Hàng Gai, Hàng Bông, chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào… là bán đồ hàng giả rất nhiều, khách mua là người du lịch trong nước và nước ngoài. Bây giờ chúng ta có thể thấy tỷ lệ bán hàng giả, hàng nhái, hàng bị xâm hại quyền sở hữu trí tuệ ở cái tuyến địa bàn nổi cộm đã giảm đi rất nhiều. Còn trong TP. Hồ Chí Minh ở tuyến quận 1, ở trung tâm chợ Bến Thành thì lực lượng QLTT cũng thường xuyên kiểm tra liên tục.

 

Việc xử lý các hành vi liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng bị xâm hại quyền sở hữu trí tuệ là rất phức tạp, nhất là việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm liên quan đến bản quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, bởi nó gặp phải vấn đề liên quan đến pháp luật, mà đặc biệt bây giờ đối tượng làm hàng giả rất tinh vi, người ta cũng nghiên cứu pháp luật, người ta luồn lách cơ quan Nhà nước, cơ quan thực thi, rất nhiều các mặt hàng giả họ làm giống và gần giống bản quyền, những vụ việc đó xử lý tranh chấp mất rất nhiều thời gian, thậm chí, lực lương QLTT còn bị các đối tượng kiện ngược lại.

 

Vì thế, khó khăn trước hết của các lực lượng chức năng hiện nay là, quá trình phối hợp với cơ quan chức năng cho ý kiến, cũng như phối hợp để xác minh tính chính xác của hàng hóa, chất lượng đo lường và thời gian xử lý tương đối lâu. Hai là, bản thân phía DN và người tiêu dùng nhiều khi tâm lý còn e ngại, không phối hợp với lực lượng chức năng, ngay cả các chủ thể quyền của các nhãn hiệu, khi mà lực lượng QLTT đi kiểm tra thu giữ sản phẩm thì e ngại tránh né, không hợp tác bởi có thể nghĩ rằng, tâm lý sẽ bị ảnh hưởng đến thương hiệu của mình. Ba là, chế tài xử phạt, mặc dù đã tương đối đầy đủ, nhưng ở những nội dụng cụ thể còn chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là các mặt hàng giả ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân cần phải xử lý chế tài ở mức cao, thậm chí xử lý hình sự, thì sức răn đe của các chế tài xử phạt, các kết quả xử lý đối tượng vi phạm dường như chưa đủ sức nặng để ngăn chặn các đối tượng tiếp tục vi phạm.

 

(Còn nữa)

 

Đinh Công Du (tổng hợp)


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang