Sau khi điều chỉnh, KKT cửa khẩu Lào Cai được tổ chức thành các khu chức năng gồm: Khu phi thuế quan; khu cửa khẩu; khu, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, dân cư và các khu chức năng khác phù hợp với quy định của pháp luật và đặc điểm của địa phương. Quy mô, vị trí từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết KKT cửa khẩu Lào Cai.
Theo đại diện UBND tỉnh Lào Cai, dù đã từng bước được đầu tư mở rộng lên 7.917 ha vào năm 2003 nhưng KKT cửa khẩu Lào Cai so với thực tế phát triển hiện nay còn chưa tương xứng và chưa thể hiện đúng vai trò, vị thế của mình. Nhất là việc thực hiện trung chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics sau khi hệ thống giao thông được kết nối đồng bộ.
Tổng số tiền dành cho việc đầu tư các hạng mục theo Đề án mở rộng, phát triển khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là trên 36.000 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách địa phương chỉ khoảng hơn 1.000 tỉ đồng, còn nguồn vốn ngân sách Trung ương là trên 7.600 tỉ đồng, vốn ODA 1.500 tỉ đồng, nguồn vốn khác khoảng 26.800 tỉ đồng.
KKT hoạt động theo các quy định hiện hành của pháp luật về KKT, KKT cửa khẩu và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Việc bảo đảm đầu tư kinh doanh đối với các nhà đầu tư do thay đổi ranh giới địa lý theo quy của Luật đầu tư. Dự kiến sau khi KKT cửa khẩu Lào Cai đi vào hoạt động sẽ giúp tỉnh này tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Lào Cai đến năm 2020 đạt 12-13%, còn GDP đầu người phấn đấu đạt 3.700 USD.
Nguồn laodongthudo