Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới đây đã yêu cầu cơ quan chức năng xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp quy định của pháp luật và cam kết quốc tế để tăng cường quản lý đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, bảo đảm không để ô tô có chất lượng kém được nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, liên Bộ KH&CN và Giao thông Vận tải (GTVT) đã cùng nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật để quản lý chất lượng đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu.
Trước thực trạng ô tô ở một số nước có giá thành thấp vì linh kiện nhập từ những nước có giá rẻ như Trung Quốc nhưng chất lượng không đảm bảo. Sau đó những bộ phận này được hợp thức hóa thành hàng sản xuất nội địa để tăng tỉ lệ nội địa hóa và nhập vào Việt Nam. Chính vì vậy, người tiêu dùng có nguy cơ mua phải ô tô chất lượng thấp.
Đề cập đến vấn đề này tại cuộc họp với Bộ Công Thương, ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Á Quốc tế, cho rằng cần sớm đưa ra hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn nội địa hóa. Từ đó mới có thể xác thực được đúng tỉ lệ nội địa hóa trong khu vực ASEAN trên 40% và mới được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu.
“Một chiếc ô tô được chia làm bốn bộ phận gồm khung sườn, động cơ, nội thất và hộp số + hệ truyền động. Trong đó Việt Nam chỉ cần quy định hộp số phải đạt được nội địa hóa ASEAN hoàn toàn thì mới công nhận chiếc xe đó đạt tỉ lệ nội địa hóa ASEAN 40%. Tuy nhiên, có thể quy định đối với khung sườn dễ làm thì chỉ số nội địa hóa tính thấp, còn những bộ phận khó sản xuất như động cơ, hộp số… thì phải nâng cao chỉ số nội địa hóa lên” - ông Trung nói.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại, theo lộ trình phải thực hiện. Việt Nam không thể đơn phương ngăn chặn, cấm nhập khẩu hoặc có các biện pháp mang tính phân biệt đối xử đối với hàng hóa của một quốc gia khác. Song cần hoàn thiện hệ thống hàng rào tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với ô tô. Đồng thời quản lý chặt hoạt động nhập khẩu qua các cửa khẩu, kịp thời phát hiện, xử lý đối với ô tô kém chất lượng.
Trước thực tế này, Bộ KH&CN và Bộ GTVT đã bắt tay cùng xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quy chuẩn Việt Nam (QCVN) để kiểm soát, ngăn ô tô kém chất lượng tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), đến nay, Bộ KH&CN đã công bố 139 TCVN về xe ô tô và phụ tùng ô tô, trong đó 13 TCVN về Thuật ngữ và định nghĩa, 09 TCVN về Phân loại, 12 TCVN về Yêu cầu an toàn và phương pháp thử, 105 TCVN về Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử.
"Các TCVN trên được xây dựng trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO và của Ủy ban Kinh tế Châu Âu của Liên Hiệp Quốc - UNECE hiện đang được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng. Hệ thống TCVN, QCVN hiện hành đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực ô tô nói chung và xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu nói riêng, đồng thời phù hợp thông lệ quốc tế', ông Khôi cho biết.
Được biết, Bộ KH&CN cũng đã tổ chức thẩm định dự thảo QCVN và Bộ Giao thông vận tải đã ban hành 15 QCVN liên quan đến ô tô, phụ tùng, khí thải ô tô. Đồng thời phối hợp 2 Bộ với Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam (VAMA)... chủ động soát xét, đưa vào kế hoạch xây dựng TCVN năm 2018 23 TCVN về ô tô theo tiêu chuẩn ISO, UNECE.
“Đối với ô tô không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trên sẽ không được nhập khẩu, đưa vào thị trường trong nước. Do vậy, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho ô tô sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuât và bảo vệ môi trường của ô tô nhập khẩu nói riêng, cũng như ô tô nói chung, ngăn chặn kịp thời những ô tô không đáp ứng quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn, kém chất lượng an toàn và chỉ tiêu bảo vệ môi trường được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam”, ông Khôi cho biết.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN về ô tô trên cơ sở ASEAN/MRA về phê duyệt kiểu ô tô, cũng như tham khảo tiêu chuẩn quốc tế phổ biến hiên hành (ISO, UNECE…) đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước đồng thời vận tạo cơ chế thông thoáng, tuân thủ cam kết khu vực ASEAN về quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của ô tô nói chung và ô tô nhập khẩu nói riêng.
Nguồn VietQ