Thứ Năm, 21/11/2024 19:30:13 GMT+7
Lượt xem: 291

Tin đăng lúc 04-05-2024

Lấy khoa học-công nghệ làm động lực tăng trưởng mới

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Thành phố Hồ Chí Minh định hướng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với định hướng này, thành phố kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới cho mục tiêu tăng trưởng bền vững, hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lấy khoa học-công nghệ làm động lực tăng trưởng mới
Phòng nuôi cấy mô hoa lan thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh

Được xem là cái nôi khoa học-công nghệ của cả nước, thời gian qua, hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tạo chuyển biến tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội.

 

Đòn bẩy từ khoa học-công nghệ

 

Hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu và có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Thành phố đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thúc đẩy đầu tư của xã hội cho hoạt động khoa học-công nghệ.

 

Uớc tính bình quân giai đoạn 2021-2023, chi đầu tư cho khoa học-công nghệ của xã hội ước đạt 0,88%/GRDP. Tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP của doanh nghiệp thuộc bốn ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí; điện tử-công nghệ thông tin; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống; hóa dược-nhựa-cao su) và 9 ngành dịch vụ trọng yếu (thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn-khoa học công nghệ; giáo dục-đào tạo; y tế) của thành phố giai đoạn 2021-2023 bình quân đạt hơn 47,2%.

 

Thành phố Hồ Chí Minh cũng tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm xây dựng thành phố thông minh, phục vụ chương trình chuyển đổi số và các ngành công nghiệp chủ lực.

 

Cụ thể, địa phương này đầu tư mạng băng thông rộng cho thành phố thông minh; bộ tiêu chuẩn HL7 FHIR và DICOM ứng dụng cho bệnh án điện tử và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện; hệ thống đo lường nước thông minh; công nghệ bê tông in 3D dùng cho công trình xây dựng; ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất thuốc hướng đích để điều trị ung thư.

 

Ngoài ra, thành phố cũng tập trung vào hoạt động nghiên cứu và triển khai các đề án phục vụ cho công tác quản lý nhà nước tại các sở, ban, ngành, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn…

 

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố là nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo.

 

Hiện, thành phố có gần 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm 50% số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp của cả nước; hơn 100 quỹ đầu tư mạo hiểm, 53 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 97 trường đại học và cao đẳng, hơn 500 sự kiện khởi nghiệp, gần 80 cuộc thi khởi nghiệp mỗi năm đang diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Từ đó, có thể thấy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của thành phố ngày càng lớn mạnh và đang tiến gần đến tốp 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu.

 

Bà Phan Thị Quý Trúc, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho hơn 2.500 doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ ươm tạo, phát triển gần 310 dự án; hỗ trợ 40 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm…

 

Khơi thông nguồn lực cho khoa học - công nghệ

 

Sự phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh tuy được đánh giá có nhiều kết quả khả quan nhưng chưa thật sự bứt phá, vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Đầu tư cho khoa học-công nghệ chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo được động lực để phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mối liên kết trong hoạt động khoa học-công nghệ giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ và bền vững; chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có tài năng chưa thực sự tạo ra “lực hấp dẫn” để thu hút các nhà khoa học xuất sắc, đầu ngành…

 

Để khắc phục những hạn chế trên, từ tinh thần Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương này đã và đang tập trung triển khai các chính sách để thúc đẩy khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 

Cụ thể, thành phố tập trung vào bốn nhóm giải pháp: chính sách miễn thuế; thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; triển khai chính sách ưu đãi thu hút nhà khoa học.

 

Ngoài ra, nhằm triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt “Đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” để đưa khoa học-công nghệ thành phố tiệm cận trình độ khu vực và quốc tế.

 

Các chính sách trên hứa hẹn sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện hành, khơi thông mọi nguồn lực về khoa học-công nghệ, kịp thời đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

 

Bà Phan Thị Quý Trúc cho biết thêm: Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố tập trung vào chính sách nâng cao năng lực cho cộng đồng đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, chú trọng thực hiện các chương trình ươm tạo và hỗ trợ tăng tốc các dự án ươm tạo để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp.

 

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thời gian tới, thành phố sẽ đưa vào vận hành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm được xây dựng với mục tiêu hình thành mạng lưới các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại thành phố bao gồm các tổ chức ươm tạo, tăng tốc, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư, trường, viện và các cơ quan, tổ chức, tập đoàn trong và ngoài nước có liên quan.

 

Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo là nơi giúp lan tỏa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho cộng đồng, cung cấp các dịch vụ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.

 

Theo Nhandan.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang