Căn cứ Khoản 3 Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2020 và qua rà soát lịch năm 2021, Bộ LĐTB&XH đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án nghỉ Tết Âm lịch năm 2021.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, Bộ LĐTB&XH đưa ra 2 phương án nghỉ Tết Âm lịch Tân Sửu.
Phương án 1, nghỉ 2 ngày trước Tết, 3 ngày sau Tết. Theo phương án 1, công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch là 7 ngày liên tục. Do ngày Mùng 2 và Mùng 3 Tết Âm lịch (tức ngày 13 - 14/2/2021 Dương lịch) trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật là ngày nghỉ hằng tuần, công chức, viên chức sẽ nghỉ bù vào ngày Mùng 4 và Mùng 5 Tết Âm lịch (tức ngày 15 - 16/2/2021 Dương lịch).
Phương án 2, nghỉ Tết theo lịch “1 ngày cuối năm Canh Tý và 4 ngày đầu năm Tân Sửu” và không hoán đổi ngày nghỉ. Theo phương án 2, công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch là 7 ngày liên tục. Do ngày Mùng 2 và Mùng 3 Tết Âm lịch (tức ngày 13 - 14/2/2021 Dương lịch) trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật là ngày nghỉ hằng tuần, công chức, viên chức sẽ nghỉ bù vào ngày Mùng 5 và Mùng 6 Tết Âm lịch (tức ngày 16 - 17/2/2021 Dương lịch).
Với 2 phương án này, Bộ LĐTB&XH đề xuất chọn phương án 1 nghỉ 2 ngày trước Tết, 3 ngày sau Tết. Bởi vì phương án này vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, vừa hài hòa, phù hợp vì số ngày nghỉ trước Tết là 2 ngày không quá ngắn, số ngày nghỉ sau Tết bao gồm 3 ngày Tết và 2 ngày nghỉ bù (thứ Bảy - Chủ nhật) là phù hợp, người lao động chủ động thời gian đi lại, giao thông vận tải hành khách cũng đỡ bị áp lực vào thời gian trước Tết.
Đối với người lao động không phải là công chức, viên chức, căn cứ vào điều kiện thực tế và lịch nghỉ đối với công chức, viên chức, người sử dụng lao động bố trí lịch nghỉ Tết Âm lịch năm 2021 như sau: Lựa chọn 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm Âm lịch hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm Âm lịch; thông báo phương án nghỉ Tết Âm lịch cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
Theo Kinhtedothi