Đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), Cục trưởng Nguyễn Văn Thanh cho biết, trong năm 2017, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất. Nghị định số 113/2017/NĐ-CP đã cắt giảm 46 điều kiện đầu tư, kinh doanh và sản xuất trong lĩnh vực hóa chất, thay đổi nhiều thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Một trong cách nổi bật tại Nghị định số 113 là cải cách thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu.
Theo số liệu thống kê, hàng năm có khoảng 70.000 bộ hồ sơ khai báo hóa chất do gần 4000 doanh nghiệp thực hiện tại Bộ Công Thương. Việc khai báo hóa chất nhập khẩu theo quy định cũ được thực hiện trên hai hình thức hồ sơ giấy và hồ sơ trực tuyến nhưng kết quả vẫn được trả bằng bản giấy, dẫn đến việc không đồng bộ hóa thủ tục và gây khó khăn cho các đơn vị ở xa thường phải đi lại và không tự chủ trong quá trình làm thủ tục, đôi khi gặp trở ngại trong việc gửi hồ sơ và nhận kết quả. Bên cạnh đó thời gian khai báo hóa chất nhập khẩu đã được Bộ Công Thương điều chỉnh từ 7 ngày làm việc xuống 5 ngày làm việc, tuy nhiên do chưa đồng bộ hóa thủ tục, kết quả được trả qua đường bưu điện, dẫn đến việc thực tế tổ chức, cá nhân nhận được kết quả xác nhận khai báo muộn hơn so với thời điểm có Giấy xác nhận. Hệ thống điện tử chưa đồng bộ, vẫn còn khó khăn trong việc tích hợp thiết bị chữ ký số, chế độ báo cáo hoặc các thông tin trên trang điện tử vẫn chưa hoàn thiện. Những bất cập, hạn chế trên đôi khi làm ảnh hưởng đến việc làm thủ tục thông quan mặt hàng hóa chất nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Khai báo hóa chất nhập khẩu theo hình thức mới có thể chia làm 3 giai đoạn và được thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (tại địa chỉ https://vnsw.gov.vn/) và hệ thống xử lý của Bộ Công Thương.
Giai đoạn 1: Cổng thông tin một cửa quốc gia tiếp nhận thông tin khai báo hóa chất nhập khẩu của doanh nghiệp và chuyền sang hệ thống xử lý của Bộ Công Thương.
Giai đoạn 2: Hệ thống tiếp nhận của Bộ Công Thương xử lý và phản hồi kết quả lại hệ thống của Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Giai đoạn 3: Cổng thông tin một cửa quốc gia phản hồi lại kết quả khai báo cho doanh nghiệp làm thủ tục thông quan. Tính từ thời điểm doanh nghiệp truyền hồ sơ đến lúc nhận kết quả khoảng 15s tùy theo điều kiện đường truyền. Trong trường hợp phát sinh sự cố, Doanh nghiệp có thể thực hiện qua hệ thống dự phòng của Cổng thông tin một cửa quốc gia và hệ thống dự phòng của Bộ Công Thương.
Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh
Việc triển khai thực hiện thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu qua Cổng thông tin một của quốc gia có nhiều điểm thuận lợi:
- Giảm thời gian thực hiện thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu từ 5 ngày làm việc xuống khoảng 15;
- Doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục khai báo 24/24h và ở bất cứ địa điểm nào;
- Doanh nghiệp không phải trực tiếp nộp bản cứng tại Bộ Công Thương và Hải quan, tiết kiệm thời gian đi lại nộp hồ sơ, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp;
- Bộ Công Thương không phải nhập số liệu thủ công, giảm chi phí in ấn, lưu trữ hồ sơ;
- Chi cục Hải quan các cửa khẩu cũng có thể tra cứu thông tin khai báo hóa chất của doanh nghiệp qua mạng Internet.
Bên cạnh những điểm thuận lợi khai báo hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia cũng đòi hỏi tính tự giác chấp hành các quy định pháp luật của doanh nghiệp cao để đảm bảo trường dữ liệu đầu vào phục vụ quản lý, các giới hạn về hạ tầng, kỹ thuật, cơ sở dữ liệu cũng cần được nâng cấp theo thời gian do khối lượng hồ sơ và thông tin khai báo hàng năm lớn.
Tính từ thời điểm Nghị định số 113/2017/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực (25/11/2017), Cục Hóa chất và Cục Thương mại điện tử và kinh tế số của Bộ Công Thương đã phối hợp tích cực với Cục Công nghệ và thông tin thuộc Tổng Cục Hải quan khắc phục, giải đáp cũng như hỗ trợ những vẫn đề doanh nghiệp thực hiện gặp phải trong quá trình khai báo. Đến thời điểm hiện nay, Hệ thống khai báo hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia đã ổn định và nhận được phản hồi tích cực của các doanh nghiệp như Công ty TNHH Hoya Glass Việt Nam, Công ty TNHH Nokwon C&I…Có thể nói đây là cải cách lớn về mặt thủ tục hành chính nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2017 của Bộ Công Thương.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong những năm qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu, và thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành hết sức quan tâm, chỉ đạo sát sao với phương châm Chính phủ kiến tạo, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế, Bộ Công Thương đã lần lượt rút ngắn thời gian cấp giấy xác nhận khai báo hóa chất từ 7 ngày xuống còn 5 ngày và hiện nay doanh nghiệp sẽ nhận được kết quả ngay khi nộp hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Điều này sẽ mang lại các lợi ích cho các doanh nghiệp trực tiếp và liên quan đến lĩnh vực hóa chất, các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương.
Như vậy, với thủ tục hành chính khai báo hóa chất nhập khẩu tại Lễ công bố, tổng số dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 của Bộ Công Thương đã triển khai là 24 dịch vụ, trong đó, có 6 thủ tục hành chính thực hiện trên cơ chế một cửa quốc gia (cấp giấy phép nhập khẩu mô-tô phân khối lớn; nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô dôn; cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi Mẫu D; Cấp giấy phép xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp và khai báo hóa chất nhập khẩu).
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Thứ trưởng yêu cầu:
Một là, Cục Hóa chất, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Hải quan, đảm bảo Hệ thống được quản lý và vận hành ổn định, tin cậy, thông suốt liên tục 24/24h; đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo mật thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp liên quan theo quy định của pháp luật.
Hai là, tổ chức tốt việc tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công chức và các tổ chức liên quan về những lợi ích của hệ thống đem lại.
Ba là, kịp thời phát hiện để cải tiến, nâng cấp hệ thống đảm bảo hệ thống ngày càng thân thiện, đơn giản hơn cho doanh nghiệp và hữu ích hơn cho các cơ quan quản lý.
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị trong Bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính khác của Bộ Công Thương góp phần hiện thực hóa chủ trương, mục tiêu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và xa hơn, góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Nguồn MOIT