Thứ Tư, 02/04/2025 10:10:47 GMT+7
Lượt xem: 462

Tin đăng lúc 21-02-2025

Lễ hội truyền thống Chùa Tây Phương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngày 19/02/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Lễ hội truyền thống Chùa Tây Phương là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội truyền thống Chùa Tây Phương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Lễ hội Chùa Tây Phương diễn ra từ ngày 1/3 -10/3 âm lịch hàng năm

 

Chùa Tây Phương là điểm đến văn hóa tâm linh của người Việt Nam

 

Chùa Tây Phương là ngôi chùa cổ, nằm trên đỉnh núi Câu Lậu, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Theo truyền thuyết, Chùa Tây Phương ra đời cùng với quá trình truyền bá Phật giáo vào Việt Nam. Theo chứng tích vật chất liên quan tới ngôi chùa, đó là thời Mạc Phúc Nguyên (1547 – 1561). Đây là thời điểm để ngôi chùa có quy mô như hiện nay.

 

 

Chùa Tây Phương nổi tiếng không chỉ ở sự cổ kính mà còn nổi tiếng ở cảnh quan, kiến trúc. Trong đó, đặc sắc và nổi tiếng nhất với 18 pho tượng La Hán Chùa Tây Phương đã đi vào thi ca và tâm thức của người Việt bao đời nay.

 

 

Nghi lễ được tổ chức và dịp Lễ hội Chùa Tây Phương năm 2024

 

Chùa Tây Phương là một quần thể các đơn nguyên, bao gồm các hạng mục sau: Tam quan hạ, Tam quan thượng, Miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà Mẫu và Nhà khách.

 

 

Các đoàn rước kiệu của các xã tham gia Lễ hội

 

Năm 1962, Chùa Tây Phương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia; đến năm 2014 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn (bao gồm 34 pho tượng), niên đại cuối thế kỷ 18 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Năm 2022, Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm đến du lịch của thành phố.

 

 

Lễ hội Chùa Tây Phương hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc

 

Hàng năm, Chùa Tây Phương đón hàng vạn lượt khách tới thăm quan, chiêm bái. Trong đó, thời điểm đông nhất là trước, trong, sau Tết Nguyên đán và dịp lễ hội(từ ngày 1/3 – 10/3 âm lịch hàng năm). Lễ hội Chùa Tây Phương bao gồm phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: Lễ rước nước từ giếng lên chùa; lễ tắm Phật; lễ bao sái; trì tụng kinh Dược Sư; nhiễu Phật; trì tụng Bát Nhã tâm kinh… phần hội sẽ tổ chức các trò chơi dân gian: đi cà kheo, ném còn, cây đu, biểu diễn múa rối nước; biểu diễn văn nghệ, diễn xướng cồng chiêng, giao lưu vật dân tộc,…Nhiều năm nay, Lễ hội Chùa Tây Phương là một nét đẹp văn hóa truyền thống, một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thạch Thất và du khách, phật tử thập phương.

 

 

Đầu xuân mới Ất Tỵ 2025, huyện Thạch Thất đón tin vui khi Chùa Tây Phương được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Lễ hội truyền thống Chùa Tây Phương là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn huyện.

 

MN


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang