Tham dự Lễ Quốc gia có các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải.
Dự lễ còn có các đồng chí Thường trực và nguyên Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; các Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể của trung ương.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội dự Lễ Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đặc biệt, tham dự buổi lễ có 3.500 đại biểu trung ương, địa phương, đại diện một số cơ quan ngoại giao, các vị lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, cựu chiến binh, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô...
Trước khi bắt đầu Lễ Quốc gia, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt nam, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và TP Hà Nội đã tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, Hà Nội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc
Trong diễn văn 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trước lúc đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết, tự mình lặng lẽ chuẩn bị rất công phu và chu đáo để hoàn thành bản Di chúc trong vòng 4 năm. Chỉ với hơn 1.000 từ vô cùng ngắn gọn, Di chúc của Người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt và sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam; sức mạnh của chính nghĩa và chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Di chúc cho thấy tầm nhìn xa trông rộng, thấm đậm và tràn đầy tinh thần nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng và phát triển con người. Khi bàn về vấn đề quốc tế, Di chúc thể hiện tầm nhìn lớn lao, một nhãn quan văn hóa rất mực nhân văn, sâu sắc và tinh tế. Người quan tâm củng cố sự đoàn kết trong phong trào cộng sản công nhân quốc tế và ra sức thúc đẩy sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc.
“Trong những lời cuối cùng của Di chúc, Người nói về việc riêng. Dù nói về việc riêng nhưng vẫn hàm chứa trong đó biết bao sự suy tư, trăn trở; vẫn toát lên sự suy nghĩ và hành động lo cho nước, lo cho dân; cho thấy Người trọn đời chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xúc động nêu.
50 năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp cách mạng của Người; kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đích cuối cùng.
Từ quá trình thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ chí Minh trong Di chúc đã khẳng định, Đảng ta có đủ bản lĩnh trí tuệ, kinh nghiệm uy tín và khả năng lãnh đạo, luôn ý thức được sứ mệnh, trọng trách của mình trước nhân dân, trước vận mệnh của dân tộc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tự hào với tất cả những gì làm được, song cũng không khỏi trăn trở, day dứt trước những gì chưa làm được hoặc làm chưa trọn vẹn. Không ít những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước, nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn đẩy lùi sẽ đe dọa tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực ra sức phấn đấu, phát huy ưu điểm, sửa chữa khắc phục khuyết điểm, yếu kém; tuyệt đối không chủ quan tự mãn, không say sưa với thắng lợi hay bi quan dao động trước những khó khăn, thử thách”.
Ý thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng ta càng cần phải thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta với quyết tâm chính trị cao, kiên quyết kiên trì đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; chăm lo xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Mỗi kỷ vật của Bác là một phần máu thịt của mình!
Đại diện cho các gương tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bà Hoàng Thị Nữ (70 tuổi), nguyên cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh xúc động kể về quãng thời gian 35 năm được giao nhiệm vụ quản lý hệ thống kho cơ sở của Bảo tàng. Đây là nơi lưu trữ, bảo quản các tài liệu, hiện vật, phim ảnh gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với bà Hoàng Thị Nữ, nhiệm vụ này là niềm vinh dự, tự hào lớn lao, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ, chăm chút, toàn tâm, toàn ý vì công việc và hơn hết là với lòng kính yêu vô hạn đối với Bác.
35 năm công tác tại Bảo tàng, bà Nữ đã trực tiếp tham gia nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê bảo quản khai thác và giới thiệu các di sản của Bác; tham gia sưu tầm, tiếp nhận các tài liệu, hiện vật liên quan đến Bác trong nước và nước ngoài; tham gia xác minh, cung cấp tư liệu để xác minh các sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo đảm độ chính xác cao...
Tuy chưa một lần được gặp Bác, nhưng trong 35 năm gắn bó với các kỷ vật của Bác, hằng ngày được đọc, được tiếp xúc với những trang bản thảo, trong đó có bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; được nghe giọng của Người nói qua các băng ghi âm; được chứng kiến các hoạt động của Người qua các thước phim; trực tiếp bảo quản nâng niu các hiện vật gắn với sinh hoạt đời thường của Người..., bà Nữ hiểu sâu sắc hơn về tấm gương đạo đức sáng ngời, nhân cách cao đẹp, những cống hiến to lớn và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Tôi luôn xác định phải giữ gìn làm sao để tuổi thọ của từng tài liệu, hiện vật, phim ảnh về Bác được lâu nhất; làm thế nào để phát huy cao nhất những giá trị di sản của Bác Hồ để lại và tôi luôn coi mỗi kỷ vật của Bác là một phần máu thịt của mình”, bà Nữ bày tỏ.
Thế hệ trẻ nguyện cống hiến bằng việc làm, hành động thiết thực
Tại buổi lễ, đại diện thế hệ trẻ cả nước, đồng chí Nguyễn Nhất Linh - giảng viên, Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã phát biểu cảm nhận.
Đáp lại tình cảm, sự quan tâm đặc biệt và kỳ vọng của Bác, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các thế hệ trẻ Việt Nam đã xác định sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho hành động của thanh niên là phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng cách mạng; không ngừng phấn đấu, sẵn sàng hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xung kích sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
“50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người là dịp để tuổi trẻ cả nước bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và nhân dân Việt Nam anh hùng”, đồng chí Nguyễn Nhất Linh nêu.
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác trong Di chúc thiêng liêng, thanh niên Việt Nam luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình với quốc gia, dân tộc, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập, lao động, cống hiến, nguyện bằng việc làm, hành động thiết thực đóng góp sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Báo Hà Nội Mới