Tính năng lì xì trực tuyến năm nay được các bên cải tiến mang tính cá nhân hoá hơn so với năm trước. Các trò chơi và tính năng mới được lồng ghép nhằm thu hút người dùng, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Cuối năm, MoMo như thường lệ tung trò chơi Lắc Xì trên ứng dụng của họ, cốt lõi để thúc đẩy tính năng chuyển tiền giữa người dùng với nhau. Trò chơi vốn thu hút hơn chục triệu người tham dự này lồng ghép vào tính năng lì xì online như một trong các yêu cầu của trò chơi.
Không rầm rộ như MoMo nhưng các ứng dụng ví khác như Viettel Money, ZaloPay cũng đưa ra tính năng mừng tuổi cho người dùng với những nâng cấp mới mẻ. Nhiều ứng dụng mobile banking của ngân hàng cũng nâng cấp tính năng chuyển tiền dịp Tết Quý Mão.
Bản chất tính năng lì xì online chỉ là chuyển tiền giữa các người dùng với nhau. Tuy vậy, các nền tảng thêm một số tính năng như ghi lời chúc, tự thiết kế thiệp, tăng cường tính cá nhân hoá nhằm biến việc chuyển tiền thành việc truyền đi may mắn cho mọi người. Đây là xu hướng có tại Trung Quốc, Việt Nam, và ở một số nước Đông Nam Á khác.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập MoMo cho hay kể từ khi ra mắt tính năng này lần đầu năm 2015, số lượng người dùng mỗi dịp Tết liên tục tăng.
Năm 2022, có hơn 10 triệu người sử dụng tính năng chuyển tiền/lì xì trong dịp Tết. Trung bình mỗi người thực hiện 9 lượt lì xì và 7 lượt tạo mã lì xì. Ngoài ra, hơn 12 triệu người tham gia trò chơi Lắc Xì.
“Lì xì online góp phần thúc đẩy chuyển tiền trực tuyến mùa Tết. Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai lì xì online sẽ trở thành nét văn hóa truyền thống nhưng vẫn hiện đại, góp phần phổ biến thói quen không dùng tiền mặt hướng đến xã hội không tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ”, ông Diệp nói.
Năm nay ZaloPay cũng tiếp tục phát triển tính năng lì xì cho người dùng ví này. Thế mạnh của nền tảng này là có thể lì xì trong cửa sổ chat Zalo. Bất kỳ người dùng Zalo nào cũng có thể mừng tuổi cho bạn bè qua khung chat, miễn có tài khoản ZaloPay.
Mùa Tết 2023, các ngân hàng dù không đưa tính năng lì xì thành mục riêng song hầu hết đều có tính năng gửi thiệp mừng khi chuyển tiền. Một số ứng dụng mobile banking của Vietinbank, Vietcombank, HDBank,… đều có mẫu thiệp chúc mừng năm mới, có lời chúc khi thực hiện chuyển tiền.
Dễ thấy xu hướng năm nay là việc người dùng có thể tự tạo mã QR cá nhân để người gửi quét mã, chuyển tiền mà không cần nhớ số điện thoại hay số tài khoản.
Để khuyến khích sử dụng lì xì online, mỗi nền tảng đều có cách thức riêng. Trong trò chơi Lắc Xì 2023, MoMo triển khai thêm tính năng đòi lì xì, giật lì xì,… nhằm thu hút người chơi chuyển tiền, đặc biệt nhóm người dùng GenZ.
Trong khi đó, ZaloPay sử dụng tính năng lì xì nhóm trong nhóm chat, giúp gửi tiền mừng cho nhiều người cùng lúc.
Các ứng dụng ngân hàng cũng cho chuyển cùng lúc nhiều tài khoản với cùng 1 số tiền, thích hợp cho sếp chuyển tiền đồng loạt cho nhân viên, hoặc một người chuyển cho các thành viên trong gia đình.
Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc VietUnion – đơn vị sở hữu nền tảng thanh toán Payoo – đánh giá xu hướng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam tăng mạnh nhờ chính sách của Chính phủ, và sự đồng lòng của các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, thể hiện rõ qua số điểm chấp nhận thanh toán tăng lên, nhiều chương trình ưu đãi được áp dụng.
Trên thực tế, các con số thực tế lẫn khảo sát tại Việt Nam đều cho thấy nhiều tín hiệu cực kì lạc quan về thanh toán số.
Khảo sát của Visa hồi tháng 6/2022 cho thấy, cùng với sự tăng trưởng đáng kể của các hình thức thanh toán không tiền mặt, 65% người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% cho biết, họ sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị.
Theo Vietnamnet.vn