Tồn kho cao ngất
Ước tính của các doanh nghiệp bán lẻ điện máy cho thấy, hàng tồn kho điện máy hiện tăng so với cùng kỳ năm trước khoảng 30%, với số lượng lên đến hàng triệu sản phẩm. Nguyên nhân là do nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách, các siêu thị điện máy phải đóng cửa. Bán hàng online gặp khó khăn, trong khi ở những địa phương vẫn được mở bán thì khách vắng vẻ, ế ẩm.
Các doanh nghiệp cho biết đã phải đại hạ giá rất nhiều sản phẩm để đẩy hàng tồn kho, nhưng không thể nào giải quyết được. Sản phẩm được các siêu thị giảm giá giảm nhiều nhất là tivi. Nhiều mẫu tivi Led, 4K, 8K, Qled, Oled đã giảm giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Chẳng hạn, mẫu tivi cao cấp Neo Qled QN900 của Samsung màn hình 85 inch, công nghệ 8K giá giảm từ 264 triệu đồng xuống còn 219 triệu đồng; màn hình 75 inch giảm từ 206,8 triệu xuống còn gần 170 triệu đồng; màn hình 65 inch giảm từ 149 triệu xuống còn 120 triệu đồng. Tivi OLed màn hình 77 inch công nghệ 4K của LG giảm từ 149 triệu xuống còn 107,7 triệu đồng...
Ở phân khúc thấp hơn, tivi Led Samsung 65 inch 4K-Ultra HD giảm từ 34 triệu xuống còn 23,9 triệu đồng; tivi Led LG 65 inch 4K-Ultra HD giảm từ 29,9 triệu xuống còn 17,9 triệu đồng. Với thương hiệu Sony, khách hàng chỉ cần bỏ ra 10 triệu đã mua được chiếc tivi Led 50 inch Full HD, 12 triệu mua được tivi Led 55 inch 4K-Ultra HD, hoặc 17 triệu đồng mua được tivi Led 65 inch 4K-Ultra HD,...
Giá tủ lạnh và điều hòa cũng giảm, nhưng mức giảm ít hơn. Điều hòa từ 9.000-18.000 BTU của các thương hiệu như Panassonic, LG, Mitsubishi,... mức giá giảm từ 1,5-2 triệu đồng tùy từng sản phẩm. Tủ lạnh Side By Side của LG cũng có một số mẫu giảm giá mạnh, như mẫu GR-B247JDS giá giảm từ 24,5 triệu đồng xuống còn 16,6 triệu đồng; hay mẫu Instaview Door-in-Door LG GR-X247JS giá giảm mạnh từ 67 triệu xuống còn 38 triệu đồng.
Trong khi đó, tủ lạnh cao cấp của các thương hiệu khác như Hitachi, Panasonic, Mitshubishi... giá giảm từ 4-12 triệu đồng.
Các dòng điện thoại hệ điều hành android đều được giảm giá hơn 40%, có sản phẩm giảm hơn 50% (từ 35 triệu, giảm còn 18 triệu đồng), dòng điện thoại của Apple giảm giá 20%, các loại laptop giảm giá 10%, các loại phụ kiện khác giảm giá hơn 50%.
Với đồ gia dụng giá có giảm, nhưng mức giảm không đáng kể, từ 10% trở lại. Cùng với việc giảm giá sâu, các siêu thị trên còn có quà tặng hấp dẫn dành cho khách hàng.
Thống kê chung, tivi giảm giá từ 30-50%, máy giặt giảm từ 30%, máy điều hòa không khí giảm 15%, giá tủ lạnh giảm từ 10-30%, các sản phẩm thiết bị âm thanh giảm 20%, máy ảnh giảm 35- 41%...
DN thua lỗ
Ông Nguyễn Quang Đức, Giám đốc Marketing của chuỗi siêu thị điện máy Pico, nhận xét, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, từ đầu 5/2021, sản phẩm điện máy các loại tiêu thụ rất chậm, giá giảm mạnh mà không có khách mua. Doanh số sụt giảm mạnh nhất thuộc về mặt hàng tivi, dù giá giảm sâu vẫn ế ẩm.
Đến khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các siêu thị điện máy đã phải đóng cửa, chỉ còn hoạt động tại một số tỉnh. Vì vậy, doanh số bán hàng càng sụt giảm mạnh bởi Hà Nội là thị trường lớn, có doanh số bán lớn nhất. Trước đây doanh số bán của cả hệ thống lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng, nay chỉ còn chưa đầy 30%.
Hàng tồn kho tăng nhưng không thể chuyển về các tỉnh, nơi siêu thị điện máy vẫn hoạt động vì không thuộc “luồng xanh”, không được ra khỏi Hà Nội. Một số mặt hàng gia dụng khách vẫn có nhu cầu như: laptop, điều hòa, tủ lạnh, tủ đông, máy làm bánh, xay thịt,... nhưng đơn hàng online lại vướng khâu vận chuyển do thiếu lực lượng chuyên chở và lắp đặt, nên không giao hàng được.
Hầu hết người lao động đang phải nghỉ việc không lương. Ở một số địa phương, siêu thị vẫn được mở thì cũng phải cắt giảm bớt nhân lực bởi vắng khách và doanh số sụt giảm.
Tổng Giám đốc một chuỗi siêu thị điện máy lớn khác tại Hà Nội thừa nhận, tình trạng chung của các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ điện máy là nhiều siêu thị phải đóng cửa, doanh số bán giảm, hàng tồn kho tăng cao nhưng vẫn phải gánh chịu chi phí thuê mặt bằng lớn; vì thế, đang bị thua lỗ lớn.
Các doanh nghiệp đã cố gắng xoay xở, nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn. Trong khi, mỗi doanh nghiệp có tới cả nghìn lao động, phần lớn phải nghỉ không lương.
Các doanh nghiệp điện máy rất lo lắng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài. "Chúng tôi như đang 'ngồi trên lửa' bởi khó khăn ngày càng chồng chất. Dù hàng điện máy để lâu không lo về hạn sử dụng, nhưng vòng đời nhiều sản phẩm rất ngắn, mỗi năm đều ra mắt mẫu mã mới. Vì vậy, những mẫu cũ không bán được, coi như lỗi mốt và càng để lâu càng mất giá", đại diện một chuỗi siêu thị điện máy nói.
Mong muốn lớn nhất của các siêu thị điện máy là năm nay bán hàng hòa vốn, nhưng điều đó cũng khó thành hiện thực. Khi nhiều siêu thị phải đóng cửa dài ngày, doanh số sụt giảm mạnh, chi phí hoạt động vẫn cao thì khó tránh khỏi thua lỗ.
Xu hướng chung của các siêu thị điện máy từ nay đến cuối năm là tiếp tục cắt giảm chi phí, cắt giảm lao động, đóng cửa những điểm bán không hiệu quả, đẩy mạnh kênh bán hàng online và tung ra những chương trình giảm giá sốc để nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho.
Trần Thủy