Thứ Năm, 21/11/2024 20:21:09 GMT+7
Lượt xem: 300

Tin đăng lúc 18-09-2024

Livestream bán hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp.
Livestream bán hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc
Livestream bán dép thương hiệu nổi tiếng toàn cầu nhưng giá chỉ hơn 100.000 đồng/đôi.

Theo thống kê, chỉ trong vòng 1 tháng, từ ngày 15/7/2024 - 14/8/2024, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 4.257 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 38 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, đã phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng.

 

Hàng giả, nhái và nhập lậu bị phát hiện nhiều nhất vào thời điểm lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.

 

Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, đa số thương nhân tổ chức kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập điểm livestream chốt đơn hàng ở các tỉnh thành phố; giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát.

 

Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hoá và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng.

 

Do tốc độ lưu chuyển hàng hoá nhanh nên số lượng, chủng loại hàng hoá tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động. Trong 8 tháng đầu năm 2024, qua giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này, Quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước.

 

Mới đây, cử tri cũng đặt ra những băn khoăn của hoạt động thương mại điện tử ảnh hưởng đến thương mại truyền thống và nền kinh tế. Theo cử tri Khánh Hòa, thực tế có nhiều đối tượng kinh doanh online không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt hàng qua online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, giao hàng nhỏ lẻ, hình thức bán hàng live trực tiếp với những lời mời gọi, giá rẻ, chào hàng hấp dẫn.

 

Tuy nhiên, thực tế hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, khó kiểm chứng, cạnh tranh không công bằng, xáo trộn thị trường… gây xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm Luật Quản lý thuế, Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Cử tri kiến nghị cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép, tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa. Có giải pháp để tránh xung đột lợi ích giữa chợ truyền thống và thương mại điện tử.

 

Trả lời cử tri, Bộ Công Thương cho biết, đây là lĩnh vực tiên phong của kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số. Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng tồn tại những yếu tố tiêu cực như tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu với xu hướng ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

 

Vì vậy, để tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, các nền tảng bán hàng nước ngoài và phát triển hài hòa giữa thương mại điện tử, kinh doanh thương mại và chợ truyền thống, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành nghị định 85/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử cùng các quy định liên quan.

 

Đặc biệt, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp các bộ ngành triển khai hiệu quả Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; xin ý kiến để sửa đổi nghị định 98 và nghị định 17, tăng cường chế tài với hành vi vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử.

 

Tiếp tục sửa đổi các quy định liên quan tới thương mại điện tử như bổ sung các khái niệm mới phù hợp với Luật Giao dịch điện tử năm 2023; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Trong đó, bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân, cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ; phân cấp phân quyền trong quản lý nhà nước với hoạt động này cho địa phương để tăng quản lý, giám sát, giải quyết tranh chấp trực tuyến….

 

Theo Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh, năm 2023 thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tiềm năng phát triển thương mại điện tử còn rất rộng lớn, bởi thương mại điện tử đã chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Hiện nay, có khoảng hơn 80% người dùng internet đã mua sắm trực tuyến.

 

Theo VietQ.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang