Chủ Nhật, 08/12/2024 00:23:04 GMT+7
Lượt xem: 207

Tin đăng lúc 29-11-2024

Lo ngại người dùng 'quay lưng', doanh nghiệp không tăng giá hàng Tết

Với sự cam kết từ nhà cung cấp, các doanh nghiệp bán lẻ khẳng định nguồn hàng phục vụ dịp cuối năm, dịp cao điểm Tết sẽ không thiếu. Đặc biệt về giá cả dù chi phí vận hành tăng, nhưng doanh nghiệp không tăng giá do lo ngại người tiêu dùng "quay lưng".
Lo ngại người dùng 'quay lưng', doanh nghiệp không tăng giá hàng Tết
Hầu hết các nhà bán lẻ tính toán việc tăng khuyến mại, giảm giá sâu các sản phẩm thiết yếu để kích thích sức mua trong dịp Tết 2025

Dự đoán sức tiêu thụ năm nay tốt, nhiều doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ Tết đang hồ hởi tuyển hàng trăm lao động nhằm tăng cường sản xuất và doanh số tăng hai con số trong mùa Tết năm nay.

 

Hàng Tết dồi dào

 

Chỉ còn khoảng hai tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán 2025. Từ hơn một tháng trước, Công ty Bibica đã tung ra thị trường các loại bánh kẹo cho mùa Tết. Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Bibica, cho biết tổng sản lượng bánh kẹo Bibica đưa ra thị trường năm nay hơn 5.000 tấn các loại, riêng dòng sản phẩm quà biếu là khoảng 6 triệu hộp.

 

"Năm nay chúng tôi đặt kế hoạch doanh số mùa Tết cao hơn năm ngoái từ 15 - 20%. Hiện tình hình tương đối khả quan hơn năm trước. Các điểm bán mạnh dạn nhập hàng. Thị trường tăng trưởng đều ở cả ba miền", ông Hoàng nói và chia sẻ kế hoạch tuyển từ 300 - 400 lao động thời vụ.

 

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tổ chức công ty Cổ phần Vang Thăng Long cũng cho biết, dịp cuối năm, đơn vị đang cần tuyển thêm khoảng 40 lao động thời vụ cùng nhiều vị trí khác như thủ kho bao bì, công nhân cơ điện… để phục vụ kế hoạch sản xuất.

 

Nhiều doanh nghiệp thực phẩm khác cũng đang tập trung nguồn lực cho ba giai đoạn. Thứ nhất là từ nay đến giữa tháng 11/2024 là lúc tập trung đưa hàng vào các điểm bán, đảm bảo sản phẩm được đặt ở vị trí thuận lợi.

 

Giai đoạn hai sẽ diễn ra từ 16/11 đến lễ Giáng sinh. Lúc này chủ yếu là các công ty, đoàn thể mua hàng làm quà tặng đối tác, nhân viên. Giai đoạn cao điểm sẽ diễn ra sau lễ Giáng sinh đến Tết.

 

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết, đơn vị đã chuẩn bị ngân sách 540 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ để thực hiện kế hoạch chuẩn bị hàng Tết 2025. Trong đó, đối với thực phẩm tươi sống, Công ty Vissan dự kiến cung ứng ra thị trường gần 930 tấn; con số này với thực phẩm chế biến là khoảng 3.700 tấn (tăng 5 - 8% so với dịp Tết 2024).

 

Thời điểm hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ khẳng định nguồn hàng cung cấp cho thị trường Tết đã sẵn sàng. Đại diện Satra cho biết, đơn vị này đã làm việc với các nhà cung cấp nhiều tháng qua để đảm bảo giá và nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết 2025. Theo đó, tổng giá trị hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu dự trữ cho dịp Tết 2025 tăng từ 15 - 20% so với năm ngoái. Hệ thống bán lẻ này cũng cam kết đảm bảo hàng hóa phong phú, chất lượng, giá cả hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, tăng giá đột biến, hàng kém chất lượng trong mùa cao điểm mua sắm.

 

Trong khi đó, Saigon Co.op dành khoảng 10.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng Tết, tăng 20-50% so với năm ngoái (tùy nhóm hàng). Phần lớn ngân sách ưu tiên cho nhóm hàng bình ổn thị trường như gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, đặc sản... Vào những ngày cận Tết, các siêu thị Co.opmart còn tổ chức nhiều chuyến bán hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa, khu vực bị ảnh hưởng của bão lũ...

 

Doanh nghiệp ngại tăng giá, tung khuyến mại lớn

 

Trao đổi với VnBusiness, các doanh nghiệp bán lẻ cho hay giá cả hàng hoá dịp Tết sẽ không tăng bởi lo ngại người dân sẽ “quay lưng”. Ngược lại, các doanh nghiệp tính toán việc tăng khuyến mại các sản phẩm thiết yếu để kích thích sức mua.

 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng có thể vẫn có những món hàng tăng giá dịp cuối năm do ảnh hưởng giá đầu vào. Tuy nhiên việc tăng giá bán nếu có cần tính toán hài hòa, mức tăng sẽ không nhiều.

 

Các doanh nghiệp đánh giá, nhìn chung, nhu cầu tiêu dùng trong nước đang phục hồi, nhưng chưa cao.  Để sức mua sẽ tăng khoảng 15-20% ngoài việc nâng chất lượng sản phẩm, bản thân các doanh nghiệp phải có ngân sách để làm các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu đến 30% nhằm kéo khách đến mua sắm thì mới có thể hoàn thành kế hoạch đề ra vì năm nay kinh tế vẫn còn khó khăn.

 

Chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+ dự báo nhu cầu hàng hóa trong những tháng cuối năm thường tăng, nhất là khi thị trường có sự gia tăng đột biến về sức mua, dự kiến khoảng trên 20%. Bà Nguyễn Thị Hoài Thương, Giám đốc siêu thị WinMart Thăng Long cho hay: "Chúng tôi đã lên kế hoạch từ sớm để chuẩn bị nguồn hàng ổn định và đảm bảo bình ổn giá dù giá nhập hàng và chi phí vận hành khác tăng".

 

Hiện nay Winmart kết hợp với nhiều nhà cung cấp để mang lại ưu đãi  “khủng” cho khách hàng, giảm giá lên đến 50%. Ngoài ra, khách hàng còn được nhận quà khi mua sắm và săn voucher khuyến mại khi mua sắm trực tuyến.

 

Ông Regis Delesque, Giám đốc vận hành MM Mega Market Việt Nam chia sẻ, hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam vẫn theo đuổi việc ổn định giá cho các mặt hàng xuyên suốt mùa Tết 2025. Đặc biệt, trong thời điểm về hàng tết, siêu thị sẽ có những chương trình giảm giá kích cầu với phương châm “Nói nhỏ - Khuyến mãi to”.

 

MM Mega Market Việt Nam đang đẩy mạnh cam kết chiến lược giá với mức ưu đãi hấp dẫn nhất trong năm lên đến 12% cho những đơn hàng tết sớm và đơn đặt mua với số lượng lớn. Qua đó, sự kiện giới thiệu trọn bộ giải pháp mua sỉ số lượng lớn thực phẩm thiết yếu, tươi sống, thực phẩm khô đến phi thực phẩm (như hóa mỹ phẩm, gia dụng) từ hơn 30 nhà cung cấp với giá bình ổn nhất.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhà bán lẻ này có lợi thế với mạng lưới siêu thị, cửa hàng tiện lợi trải dài từ Nam ra Bắc nên sẽ tận dụng để bảo đảm nguồn hàng đầy đủ, giá cả tốt nhất. “Chúng tôi có nhiều chương trình khuyến mại sâu, phối hợp với nhà cung cấp giảm lợi nhuận để hàng hóa không chỉ bình ổn giá mà còn rẻ hơn cả ngày thường”, ông Thắng nói.

 

Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát diễn biến thị trường, có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết, với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

 

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, khẳng định, thành phố đang đẩy mạnh triển khai các chương trình kích cầu cho dịp mua sắm cuối năm. Hiện nay, lãi suất cho vay diễn biến tốt, các ngân hàng đang tích cực mời gọi vay vốn nên áp lực về vốn không còn là vấn đề lớn.

 

Theo VNbusiness


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang