Thứ Hai, 25/11/2024 22:31:05 GMT+7
Lượt xem: 1557

Tin đăng lúc 13-06-2018

Lo sức cạnh tranh của thủy sản xuất khẩu

Các doanh nghiệp thủy sản sẽ đối mặt với không ít khó khăn trong những tháng cuối năm để thúc đẩy xuất khẩu nhằm đạt mục tiêu kim ngạch 9 tỷ USD. Điều lo ngại là sức cạnh tranh của thủy sản xuất khẩu còn nhiều thách thức khi giá nguyên liệu cao và chịu áp lực từ việc liên tục tăng nhiều loại chi phí đầu vào.
Lo sức cạnh tranh của thủy sản xuất khẩu
Để cạnh tranh, tự thân các DN thủy sản phải có những thay đổi tích cực

Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc công ty CP thủy sản Trường Giang (khu công nghiệp Sa Đéc, Đồng Tháp), cho biết công ty chuyên về xuất khẩu (XK) cá tra nhưng lại đang gặp khó khăn về vấn đề con giống.

 

Cá giống Việt Nam hiện đã bị thoái hóa, đến nay chưa có phương cách để cải tạo được đàn giống dù Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng chưa mang lại hiệu quả.

 

Trăn trở nguồn nguyên liệu

 

Theo ông Văn, từ lúc nuôi cá giống (30 con/kg) cho đến lúc thu hoạch (900gr/con), tỷ lệ hao hụt vẫn là 60%, xem như thu hoạch chỉ được 40%, vì thế giá thành cao. Nếu khắc phục được con giống, hy vọng XK cá tra sẽ rất bền vững.

 

Không chỉ với con giống cá tra, giá tôm nguyên liệu cũng cao hơn so với các nước trong khu vực, ảnh hưởng lớn đến hoạt động chế biến XK và khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, điển hình là giá tôm Việt Nam hồi năm ngoái cao hơn các nước 12 – 20%. Do sản xuất chưa ổn định và nghề nuôi còn kém bền vững, nên là người nuôi tôm lại không thật sự được hưởng lợi từ mức giá cao này.

 

Đây chính là vấn đề được lưu tâm tại Hội nghị toàn thể hội viên năm 2018 của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 12/6.

 

Chưa kể, VASEP còn cho rằng Chính phủ đã có các chương trình ưu đãi thuế đối với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để sản xuất XK, nhưng một số mặt hàng thủy sản vẫn còn chịu các chi phí nhập khẩu nguyên liệu cao hơn so với các nước trong khu vực, dẫn đến giá thành cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh.

 

Bên cạnh đó, việc liên tục tăng giá điện, xăng dầu, lương tối thiểu vùng và các chi phí đầu vào khác đã góp phần ảnh hưởng đến giá cả và sức cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam với các đối thủ XK khác trong khu vực. Đơn cử như mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng liên tục trong 3 năm qua, bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%/năm.

 

Ngoài ra, như lưu ý của bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, có những DN XK cá tra của Việt Nam đang tự làm giảm giá trị thông qua việc hạ giá bán. Chính vì hạ giá rồi dẫn đến hạ chất lượng, tìm cách này hay cách kia để giảm trọng lượng…

 

Tự thân để cạnh tranh

 

Trao đổi thêm với Thời báo Kinh Doanh, dưới góc nhìn của một DN XK cá tra, ông Ong Hàng Văn cho rằng trước những khó khăn trong cạnh tranh hiện nay, bản thân mỗi DN thủy sản phải biết cách tự khắc phục. Một số DN vì lý do nào đó buộc phải giảm giá bán và giảm cả chất lượng, nhưng một số DN vẫn tồn tại được bằng giá bán cao nhưng chất lượng tốt.

 

"Do đó, tôi nghĩ rằng muốn thủy sản XK bền vững, DN vẫn phải giữ cho được chất lượng, bởi người mua có thể chấp nhận giá đắt hơn một chút nhưng lại đòi hỏi cao về mặt chất lượng", ông Văn nhấn mạnh.

 

Như phản ánh của một số DN XK thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng và giá trị XK cá tra của Việt Nam khiến các nước ở châu Á, trong đó có Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và ngay cả Trung Quốc thèm muốn.

 

Họ có khả năng bằng mọi cách rất nhanh nuôi cá tra, điển hình là ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã nuôi cá tra. Vì vậy, các DN XK cá tra cần quan sát lại xem cách họ nuôi và chế biến như thế nào.

 

Trong khi đó, theo đánh giá của VASEP, với tốc độ tăng trưởng XK thủy sản cao nhất là 37%, rất có thể trong quý II/2018, Trung Quốc sẽ vượt qua ba thị trường là Mỹ, EU, Nhật Bản để trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

 

Nhiều DN lưu ý cá tra XK hiện nay đang được giá và không đủ để bán, nhất là tại Trung Quốc, nhưng vào thời điểm cuối năm nay, lượng cá tra có thể sẽ dư thừa. Mặc dù vậy, nếu các DN mở rộng được thị trường thì sẽ không quá lo ngại.

 

Trong câu chuyện cạnh tranh của các DN XK thủy sản hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu là cực kỳ cấp thiết, nhất là cần đẩy mạnh thương hiệu của tôm và cá tra Việt Nam càng sớm càng tốt.

 

Trước bối cảnh thị trường ngày càng mở rộng, sức ép ngày càng khốc liệt, các DN sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức không lường trước. Để có thể cạnh tranh, tự thân các DN thủy sản phải có những thay đổi tích cực để đón đầu xu hướng tiêu dùng trên các thị trường XK chủ lực. Đồng thời, nên giải quyết những vấn đề nội tại, nhất là nguồn nguyên liệu cho chế biến XK cần phải ổn định.

 

Theo Thời báo kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang