Thứ Sáu, 22/11/2024 01:22:20 GMT+7
Lượt xem: 1497

Tin đăng lúc 03-08-2021

Lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam

Vừa qua, lần đầu tiên tại Việt Nam, tài liệu Hướng dẫn chuyển đổi số (CĐS) cho doanh nghiệp được công bố. Đây là tài liệu được xây dựng bởi các chuyên gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Dự án USAID LinkSME triển khai thực hiện, nhằm đưa ra các kiến thức, lộ trình và các giải pháp công nghệ CĐS cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là khối DN vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam

Theo thông tin tổng hợp từ tài liệu hướng dẫn, báo cáo của Cisco & IDC năm 2020 về mức độ trưởng thành số của các DN vừa và nhỏ (DNVVN) tại 14 quốc gia thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã cho thấy, có khoảng 3% các DN cho rằng, CĐS chưa thực sự quan trọng đối với hoạt động của mình; có tới 62% kỳ vọng CĐS giúp DN tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới; 56% DN nhận thấy sự cạnh tranh đang thay đổi và CĐS giúp DN giữ được nhịp độ. Qua đó cho thấy, các DN đã có nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của CĐS.

 

Thực trạng CĐS đối với các DNVVN tại Việt Nam

 

CĐS trong DN là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số (CNS) để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của DN và tạo ra các giá trị mới.

 

Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam trở lên sôi động, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân, khối DNVVN vốn dĩ chiếm tỷ lệ rất lớn tại Việt Nam. Hoạt động CĐS trên thực tế đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều DN, đặc biệt là CĐS trong hoạt động kinh doanh, nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của khách hàng. Có thể thấy một tỷ trọng không nhỏ các DN đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản lý kênh phân phối.

 

Đối với CĐS trong quản trị DN dù còn chậm, song đã có một tỷ lệ tương đối lớn các doanh nghiệp đã CĐS hoạt động quản trị, vận hành nội bộ ở mức cơ bản, cụ thể, hơn 60% DN đang sử dụng phần mềm kế toán; trên 200.000 DN đang sử dụng các phần mềm hóa đơn điện tử của nhiều nhà cung cấp khác nhau; hầu hết các DN đã trang bị và sử dụng chữ ký số; các phần mềm khai báo thuế trực tuyến, khai báo BHXH trực tuyến được ứng dụng tại đa số các DN tại Việt Nam.

 

Bên cạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều DN đã nhìn nhận CĐS như một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất DN. Điều này đang góp phần tạo ra các DN y tế số, nông nghiệp số, các DN logistic, giao nhận, thương mại, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch và sản xuất… hoạt động theo những phương thức mới dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động. Dù các hoạt động này mới chỉ bắt đầu, nhưng đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng DN, kỳ vọng một tương lai không xa sẽ xuất hiện nhiều DN với những mô hình kinh doanh đột phá, chuyển dịch hoàn toàn sang mô hình kinh doanh trên môi trường số.

 

Lộ trình chuyển đổi số cho DNVVN tại Việt Nam

 

Trước hết, DN cần nhận thức rõ CĐS là sự thay đổi quy mô lớn, đòi hỏi phải điều chỉnh cấu trúc, quy trình, hoặc văn hóa kinh doanh cơ bản, song sẽ mang lại tác động tích cực lớn đến sự phát triển lâu dài và bền vững của DN.

 

Theo các chuyên gia của Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lộ trình CĐS cho DNVVN tại Việt Nam được khuyến nghị thông qua các giai đoạn phổ biến sau: Giai đoạn chuẩn bị và 03 giai đoạn để thực hiện chuyển đổi dần từ “doing digital” sang “being digital”. Các giai đoạn này là tương đối, tùy vào tình trạng thực tế, mục tiêu và tiềm lực của từng DN có thể thực hiện song song hoặc nối tiếp nhau, cụ thể:

 

  • Giai đoạn chuẩn bị: Xác định mục tiêu và chiến lược CĐS.

 

  • Giai đoạn 1: CĐS mô hình kinh doanh như: Áp dụng CNS để mở rộng hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động CSKH, hình thành trải nghiệp khách hàng; Từng bước triển khai áp dụng CNS cho chuỗi cung ứng (kết nối quản lý hàng tồn kho, sản xuất, mua hàng đầu vào); Áp dụng CNS cho nghiệp vụ kế toán, tài chính; Xây dựng khung cơ sở dữ liệu chung về kinh doanh, cung ứng và kế toán; Xây dựng chính sách bảo mật kinh doanh, dữ liệu và áp dụng các công cụ bảo mật…

 

  • Giai đoạn 2: CĐS mô hình quản trị (bao gồm quy trình sản xuất, quy trình công nghệ,…) như: Hoàn thiện mô hình quản trị và xác định các yêu cầu về dữ liệu tích hợp cho bước tiếp theo; Xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đi từ cơ cấu tổ chức, con người, chính sách, quy trình cho tất cả các mảng nghiệp vụ chức năng của doanh nghiệp; Xây dựng chỉ tiêu quản trị (KPI/OKR) và hệ thống báo cáo quản trị, và yêu cầu cơ sở dữ liệu; Xác định các yêu cầu phục vụ mục đích tích hợp, CĐS toàn diện; Áp dụng CNS cho hệ thống báo cáo quản trị; …

 

  • Giai đoạn 3: Kết nối kinh doanh và quản trị, đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới như: Áp dụng CNS để từng bước kết nối các hệ thống hiện có thành một hệ thống thông tin xuyên suốt từ kinh doanh đến các nghiệp vụ quản trị trong DN; Xây dựng cơ sở dữ liệu chung trong toàn bộ DN; Đầu tư vào đổi mới sáng tạo (R&D) để tạo ra các thay đổi trong sản phẩm, dịch vụ và không ngừng nâng cấp các hệ thống hiện tại; Áp dụng CNS mới để đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho dữ liệu của toàn DN.

 

Có thể nói, các DNVVN Việt Nam đang được hưởng những lợi thế vô cùng lớn từ các chuyển dịch của môi trường xung quanh, cùng với những thành tựu tiến bộ của công nghệ và các hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên bên cạnh đó, các DNVVN cũng vấp phải những thách thức nhất định như: Chưa có nguồn vốn hỗ trợ tương xứng với nhu cầu đầu tư cho việc CĐS; khả năng tiếp cận các chuyên gia, tài liệu và thông tin hỗ trợ về CĐS còn hạn chế; các giải pháp CNS trên thị trường vẫn còn rời rạc… Đây là bài toán khó mà mỗi nhà quản lý DNNVV cần giải quyết để có thể thành công trong lộ trình CĐS của DN mình.

 

Mục tiêu của Chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025: Đến năm 2025, 100% DN được nâng cao nhận thức về CĐS; Tối thiểu 100.000 DN được hỗ trợ kỹ thuật về CĐS; Tối thiểu 100 DN được hỗ trợ là mô hình CĐS điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; Thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy CĐS cho DN, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.

Tài liệu Hướng dẫn tham khảo tại địa chỉ http://ebook.business.gov.vn.

 

Minh Vũ

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang