Tuy nhiên, với việc cơ quan chức năng liên tục phát hiện những sai phạm về thuốc đông y kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc đã dấy lên mối lo về chất lượng loại thuốc này.
'Bát nháo" thị trường thuốc đông y
Mới đây, lực lượng chức năng Hà Nội cho biết vừa thu hồi gần 10.000 sản phẩm thuốc đông y chủ yếu chữa các bệnh liên quan về xương khớp, viêm xoang... của Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Ngọc Anh có địa chỉ ở huyện Hoài Đức, Hà Nội do không đủ tiêu chuẩn.
Cụ thể, dù trực tiếp sản xuất, kinh doanh thuốc đông y nhưng Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Ngọc Anh chỉ có giấy đăng ký doanh nghiệp, những giấy tờ khác như: Số đăng ký lưu hành; Công bố Tiêu chuẩn chất lượng thuốc; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc… lại hoàn toàn không có.
Trước đó, tại TP Móng Cái tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng phát hiện 3 cửa hiệu kinh doanh thuốc Đông y nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng không có giấy phép hành nghề. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tiến hành niêm phong, tạm giữ và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng trên gồm 29 bao tải thuốc đông y các loại có tổng khối lượng 469kg.
Thực tế thời gian qua cũng ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc, thậm chí là mất mạng vì sử dụng thuốc đông y trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh những ca ngộ độc thuốc Đông y nặng dẫn tới tử vong vẫn còn đó rất nhiều bệnh nhân hiện đang phải "oằn lưng" trả viện phí để chữa trị những biến chứng nguy hiểm sau một thời gian sử dụng Đông dược gây ra.
Hiện nay thuốc đông y không chỉ được bán tại các phòng khám, nhà thuốc mà còn được phân phối rất mạnh qua các kênh mạng xã hội, các diễn đàn mua bán online. Với nhiều chiêu thức quảng cáo sản phẩm, đánh vào tâm lý người bệnh như "an toàn", "lành tính", không độc hại"... cùng cả tá những công dụng không "bổ dọc thì cũng bổ ngang", kiến cho không ít bệnh nhân mắc bẫy.
Chị Võ Hồng Thúy ( Đội Cấn, Ba Đình, HN) cho biết, chị cũng đã bỏ không ít tiền để mua rất nhiều sản phẩm đông y về điều trị bệnh cho cha mẹ như thuốc trị đau xương khớp, viêm xoang, mỡ máu, men gan cao... tuy nhiên, hiệu quả thì chưa thấy rõ nhưng người nhà chị lại gặp phải một số tác dụng phụ từ các loại thuốc này.
Anh Quân ( Giảng Võ, Ba Đình, HN) cũng chia sẻ về sự phải trả giá của mình khi bị bệnh gout nhưng tự ý chữa trị bằng Đông dược của các "lang băm", hậu quả khiến thận suy nặng, xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường...
Chất lượng thuốc đông y đang là mối nguy hại đối với sức khỏe người bệnh
Nhiều loại dược liệu nhập khẩu không đảm bảo chất lượng
Theo thống kê của Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), hàng năm ngành Dược sử dụng từ 60.000 - 80.000 tấn dược liệu các loại. Trong khi đó, thông qua các đơn vị được cấp phép nhập khẩu dược liệu, tính từ đầu tháng 3 đến nay có khoảng hơn 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc, chiếm khoảng 2,3% so với nhu cầu sử dụng dược liệu hiện nay. Điều này cũng cho thấy tình hình dược liệu “lậu” có nhiều diễn biến phức tạp.
Trong một báo cáo tại hội nghị về quản lý thuốc đông dược, ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền nêu ra thực trạng, nguồn dược liệu thông quan qua cửa khẩu có rất nhiều tồn tại.
Cụ thể, dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, phần lớn được đóng trong các bao dứa, thùng giấy gây khó cho việc kiểm tra cụ thể từng mặt hàng. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ có thể kiểm soát về số lượng, trọng lượng bao hàng, không kiểm tra được chất lượng dược liệu…
“Trong quá trình kiểm tra chất lượng dược liệu lưu hành trên thị trường thì phần lớn dược liệu nhập vào Việt Nam là dược liệu kém chất lượng hoặc đã bị chiết xuất một phần hoạt chất”, ông Khánh cho biết.
Điển hình, năm 2015, Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư phối hợp với Cục Quản lý Y dược cổ truyền trong kiểm tra các dược liệu có nghi ngờ về chất lượng tại các BV Y học cổ truyền và các công ty xuất nhập khẩu dược liệu trên toàn quốc, phát hiện 56/109 mẫu dược liệu không đạt chất lượng, trong đó có 24 mẫu dược liệu nhầm lẫn, giả mạo…
Đại diện Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư cũng cho rằng, qua công tác giám sát chất lượng thuốc trên thị trường hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm nhận thấy nhóm dược liệu và thuốc Đông y là nhóm thuốc có tỷ lệ không đạt chuẩn chất lượng và thuốc giả cao nhất. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do nguồn dược liệu chủ yếu nhập lậu từ Trung Quốc hoặc cơ sở nhỏ lẻ trong dân không được kiểm soát chất lượng.
Trước tình trạng thuốc đông y vẫn chưa được kiểm soát chất lượng một cách triệt để, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khuyến cáo người bệnh không nên sử dụng thuốc đông y một cách tùy tiện, đặc biệt không nên mua thuốc mà không có chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa.
Nguồn VietQ