Chủ Nhật, 13/07/2025 21:22:12 GMT+7
Lượt xem: 351

Tin đăng lúc 12-07-2025

LOGISTICS XANH: "Điểm tựa" để doanh nghiệp vượt qua những “cú sốc” của thị trường

Logistics xanh được xác định là chìa khoá, là điểm tựa để các doanh nghiệp vượt qua những “cú sốc” của thị trường toàn cầu.
LOGISTICS XANH: "Điểm tựa" để doanh nghiệp vượt qua những “cú sốc” của thị trường
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Logistics xanh được xác định là chìa khoá, là điểm tựa để các doanh nghiệp vượt qua những “cú sốc” của thị trường.

Phát biểu tại Diễn đàn Logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025, do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phối hợp cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 11/7/2025, ông Trần Thanh Hải - Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo báo cáo của WB năm 2023, Việt Nam đứng thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc top 5 ASEAN. Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 16% đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập của Việt Nam năm 2024 lên hơn 786 tỷ USD.

 

Những năm gần đây, thị trường thế giới chứng kiến những “cú sốc” lớn không chỉ ảnh hưởng dòng chảy của hàng hoá toàn cầu mà còn đặt ra yêu cầu cấp bách đối với khả năng thích ứng và phục hồi của ngành logistics toàn cầu. Bối cảnh này, theo Cục phó Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, logistics xanh được xác định là chìa khoá, là điểm tựa để các doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những “cú sốc” trên.

 

Chia sẻ cụ thể về nội hàm của logistics xanh, ông Trần Thanh Hải cho biết: đây là hoạt động logistics hướng đến các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Thông qua việc đầu tư vào phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng container thông minh, tối ưu lộ trình, số hoá quản lý kho bãi, logistics xanh còn hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí dài hạn. Khi giá dầu, giá vận chuyển luôn biến động, đây là “lá chắn kinh tế” rất cần thiết.

 

Trước xu hướng phát triển bền vững của toàn cầu, logistics xanh đang trở thành tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu và yêu cầu của khách hàng, trong đó thị trường lớn châu Âu đã triển khai cơ chế CBAM - đánh thuế carbon lên hàng nhập khẩu có phát thải cao. Đặc biệt, sở hữu chứng chỉ xanh, doanh nghiệp đang tạo cho mình lợi thế cạnh tranh vượt trội trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

 

Tại Việt Nam, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải nhấn mạnh: ngành logistics đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi khi Đảng, Nhà nước rất quan tâm đầu tư và mở rộng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với hệ thống đường cao tốc trọng điểm giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển.

 

Ngành logistics đang đón nhận cơ hội lớn khi Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia bùng nổ thương mại điện tử. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước.

 

Tuy nhiên, khi tham gia quá trình xanh hoá, doanh nghiệp sẽ gặp một số thách thức. Trước hết về nhận thức, thói quen, hạ tầng chưa đáp ứng cho sự phát triển của phương tiện vận chuyển xanh. Chuyển đổi xanh hoá đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp SME. Ngoài ra, doanh nghiệp gặp thách thức khi lựa chọn công nghệ hay việc thiếu đội ngũ chuyên gia có kiến thức và năng lực triển khai.

 

Trao đổi về một số định hướng khi thực hiện chuyển đổi, ông Trần Thanh Hải cho biết, trước hết chuyển đổi năng lượng, các phương tiện vận chuyển sử dụng năng lượng điện tái tạo, hydrogen, LNG…; khuyến khích chuyển đổi phương tiện sang đường thuỷ, đường sắt có năng lượng vận tải lớn. Bên cạnh đó, cần tối ưu hoá quy trình thông qua việc vận tải quy mô lớn hơn, giảm chạy rỗng, xây dựng kho, cảng thông minh. Thực hiện bù trù phát thải bằng cách tham gia trồng rừng cũng là một định hướng

 

Với doanh nghiệp, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, cần xây dựng chiến lược phù hợp với định hướng phát triển xanh; nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi, đầu tư các tranh thiết bị hiện đại; ưu tiên sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp cần chia sẻ và nỗ lực hợp tác; áp dụng công nghệ mới và ứng dụng AI để tối ưu hoá hoạt động; xây dựng mô hình logistics xanh tích hợp.

 

Để thúc đẩy nhanh logistics xanh, ông Trần Thanh Hải cho biết, Nhà nước đang thực hiện vai trò kiến tạo với những định hướng, chỉ đạo quan trọng. Cụ thể, Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan cho ngành giao thông vận tải. Mục tiêu tổng quát được đặt ra là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

 

Cùng với đó, Chiến lược phát triển dịch vụ logistics thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu phát triển ngành logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực cũng như trên thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Thoe diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang