Đó là ý kiến của các chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 29/9.
Công cụ quản lý thuế cũng phải thay đổi để thích nghi
Đánh giá về những nỗ lực chuyển đổi số của ngành thuế trong thời gian qua, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, ngành thuế là ngành tiên phong và là ngành đầu tiên được đánh giá cao nhất là tích cực trong chuyển đổi số, ngành đi đầu trong chuyển đổi số của Việt Nam.
Nhờ nền tảng chuyển đổi số trong quản lý thuế, khi những hoạt động giao dịch không còn là vật lý, cơ học bình thường nữa mà đã chuyển sang môi trường mạng thì công cụ quản lý thuế cũng phải thay đổi để thích nghi. Ông Cường cho rằng, quá trình này được ngành thuế thực hiện khá nhanh, đó là nền tảng rất quan trọng.
Và cũng chính nhờ đó, người ta đánh giá Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu ở khu vực Đông Nam Á về việc quản lý thuế xuyên biên giới thông qua việc các nhà mạng phải kê khai thuế trên Cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, theo ông Cường, để quản lý tốt hơn nữa, chúng ta cần nắm bắt được những công nghệ quản lý mới để áp dụng vào trong bối cảnh cả thế giới đang làm.
Để nâng cao hiệu quả quản lý thương mại điện tử và thực hiện việc phối hợp cũng như chia sẻ dữ liệu trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động này, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử, kinh tế số, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 85 sửa đổi bổ sung Nghị định 52 về thương mại điện tử hướng tới mục tiêu là thúc đẩy hóa các giao dịch thương mại điện tử đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên môi trường điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, hình thành tập quán tiêu dùng thương mại hiện đại tại Việt Nam.
GS.TS Hoàng Văn Cường
Nghị định này cũng được xây dựng theo những nguyên tắc nhất quán. Đó là chỉ quy định bổ sung những nội dung đặc thù về quản lý thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến và không đề cập đến những nội dung quy định tại pháp luật chuyên ngành về kinh doanh thương mại trong đó có quản lý thuế.
Nguyên tắc thứ 2 của Nghị định 85 sửa đổi Nghị định 52 là đảm bảo sự bình đẳng về môi trường thương mại truyền thống cũng như môi trường thương mại hiện đại.
Đặc biệt, hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang quản lý thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số và trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính về quản lý nhà nước về thương mại điện tử tại Cổng Thông tin điện tử quản lý thương mại điện tử tại địa chỉ online.gov.vn.
Theo bà Minh Huyền, đây là thủ tục hành chính dịch vụ công cấp độ 4. Tại đó tất cả các quy trình đăng ký, thông báo thương mại điện tử được thực hiện trực tuyến và trên Cổng Thông tin quản lý thương mại điện tử này các cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan có thể truy cập dữ liệu để có được thông tin về các chủ thể đã được cung cấp dịch vụ hành chính tại Cổng dữ liệu này là dữ liệu mở.
Bên cạnh đó, đồng tình với ý kiến của ông Cường, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho rằng: "Về phía quản lý thuế thương mại điện tử, chúng tôi rất chia sẻ những khó khăn với cơ quan thuế. Chúng tôi cũng rất ghi nhận việc ứng dụng công nghệ số cũng như chuyển đổi số của ngành thuế. Tôi đồng ý với GS. Hoàng Văn Cường vì công nghệ thay đổi liên tục nên mong muốn trong công tác phối hợp cơ quan quản lý thuế tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo thông suốt thông tin, đảm bảo công bằng cho cả người tiêu dùng và người kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử".
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương
Cần giải "bài toán" ứng dụng công nghệ trong quản lý thuế
Theo các chuyên gia, đối với đặc trưng nền kinh tế số và thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới ngành thuế hiện vẫn gặp không ít khó khăn. Một trong những khó khăn đã được bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế chỉ ra như, khó khăn trong quản lý đầy đủ nguồn thu và đối tượng nộp thuế, khó khăn nữa là việc tính thuế, tiếp theo là quản lý các đối tượng, quản lý dòng tiền.
Theo đó, với lợi thế là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, bà Lan Anh cho rằng, một trong những giải pháp chống thất thu thuế đó là hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Để hiện thực hoá giải pháp này, bà Lan Anh cho biết, ngày 21/3/2012 Cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế đã mở phần cho các nhà cung cấp nước ngoài kê khai thuế tại đây. “Chúng tôi hiện đang triển khai một Cổng thông tin để các sàn thương mại điện tử kê khai, các sàn có thể nộp thay các hộ kinh doanh, các sàn cũng có thể nhận ủy quyền để cung cấp thông tin cho cơ quan thuế” – bà Lan Anh cho biết.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, ngành thuế đã triển khai các biện pháp như: tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, Sàn thương mại điện tử,...) theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Cũng theo bà Lan Anh, nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện khai thuế, nộp thuế, ngày 21/3/2022 Bộ Tài chính đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và triển khai Ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho các cá nhân.
Đồng thời, ngành thuế cũng xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và lúc đó xử lý dữ liệu lớn ở đây là cả quản lý các dữ liệu về công tác quản lý thuế và dữ liệu về hóa đơn điện tử.
Ngoài ra, ngành cũng đã xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước và người nộp thuế, các sàn giao dịch thương mại điện tử để tạo điều kiện cho việc kê khai nộp thuế 24/7 đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế
Nhấn mạnh về vai trò của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế thương mại điện tử, GS.TS Đặng Văn Cường cho hay, một trong những giải pháp quan trọng là phải sử dụng các công cụ để thu thập thông tin trên nền tảng số. Chúng ta đang thực hiện khá tốt yếu tố này.
Thu thập thông tin trên nền tảng số này người ta có rất nhiều các công cụ. Hiện nay đang dùng rất phổ biến là AI hoặc là sử dụng phân tích mảng dữ liệu lớn Big Data để tìm ra các hành vi giao dịch có khi có những người trốn thuế, có những người không khai báo, nhưng các cơ quan quản lý biết ngay ở đây đang diễn ra những giao dịch đáng ngờ có thể là đối tượng theo dõi để quản lý.
Người ta cũng có thể sử dụng những công tác rất thủ công, ví dụ như cơ quan thuế sẽ nhận thông tin của cơ quan quản lý truyền thông, cơ quan ngân hàng để biết là có các đối tượng đang có nghĩa vụ phải nộp thuế nhưng chưa thực hiện nộp thuế thì cơ quan thuế có thể thực hiện các biện pháp điều tra hoặc thậm chí là mua bán, đóng giả khách hàng mua bán thử để truy tìm ra hành vi đó, đấy cũng là cách để tìm các thông tin, tìm giấu vết.
Ở đây thì có xu hướng rất chung là càng ngày càng sử dụng các công nghệ, công nghệ tin học, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo để quản lý nhanh, xử lý nhanh và gần như là cho đến nay có thể ứng dụng rộng rãi nếu như có khuôn khổ pháp lý để cho cơ quan quản lý thuế sử dụng các công cụ đó đi truy vào các cơ sở dữ liệu cá nhân và sử dụng dữ liệu cá nhân đó để phân tích thì gần như là biết được hết xai đang tham gia vào giao dịch.
Nguồn: congthuong.vn