Thông tin trên được ông Phạm Tùng Thư, Giám đốc Kỹ thuật của khách sạn Intercontinental Saigon nêu ra tại hội thảo “Quản lý, vận hành và ứng dụng thiết bị công nghệ trong công trình xây dựng” tổ chức ngày 15.12. Hội thảo do Vụ Khoa học công nghệ (KH&CN) và Môi trường - Bộ Xây dựng và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN - Sở KH&CN TP.HCM phối hợp tổ chức.
Ứng dụng công nghệ hiệu quả năng lượng vào các công trình có thể đem lại những kết quả không ngờ về kinh tế
Theo ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ - Sở KH&CN TP.HCM, quản lý, vận hành và ứng dụng hiệu quả các thiết bị công nghệ trong các công trình xây dựng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
“Các công trình, tòa nhà là đối tượng tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong cơ cấu sử dụng năng lượng của các ngành, chiếm đến 1/3 năng lượng toàn cầu, sau đó mới đến công nghiệp và giao thông vận tải. Theo đó, nếu các công trình, tòa nhà thực hiện tốt các giải pháp hiệu quả năng lượng thì giá trị mang lại sẽ rất lớn, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả hiệu quả xã hội”, ông Trung khẳng định.
Theo ông Phạm Hoàng Hải Quân, chuyên gia tư vấn kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, ứng dụng công nghệ hiệu quả năng lượng vào các công trình có thể đem lại những kết quả không ngờ.
Nếu áp dụng những công nghệ tốt nhất sẵn có, các công trình có thể tiết kiệm đến hơn 60% năng lượng tiêu thụ. Với sự tiến bộ của KH&CN hiện nay, con số trên chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó.
Chỉ tính riêng vỏ bọc công trình, hiện nay đã có rất nhiều công nghệ đang được sử dụng hiệu quả như vật liệu cách nhiệt gồm bông khoáng, tấm 3D, gạch bê tông nhẹ, kính 2 lớp…; vỏ bọc công trình bằng sơn cách nhiệt, thảm cây xanh trên mái…
Những loại kính 2 lớp hiện nay có thể ngăn được đến gần 80% lượng nhiệt bên ngoài xâm nhập và do đó, giảm đáng kể lượng điện sử dụng để làm mát. Ngoài ra, kính tích hợp công nghệ BIPV để sản xuất điện mặt trời cũng đang dần được sử dụng rộng rãi.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, nhà nước đang dành những ưu đãi hết sức hấp dẫn nhằm thúc đẩy phát triển điện mặt trời. Điện mặt trời nối lưới theo cơ chế bù trừ điện năng, ưu tiên sử dụng điện mặt trời. Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN sẽ trả cho điện mặt trời dư theo giá 9.35 cents/kwh.
“Với quy chế như vậy, hộ gia đình sử dụng trên 800 KWh điện mỗi tháng sẽ tiết kiệm được gần 1.2 triệu, tức là chỉ cần cần 5 năm thu hồi vốn lắp đặt điện mặt trời. Trong khi đó, tuổi thọ tấm panel điện mặt trời là 25 năm”, ông Diệp Bảo Cánh, Giám đốc công ty Cổ phần năng lượng Mặt trời đỏ cho hay.
Là một khách sạn hàng đầu tại TP.HCM, khách sạn InterContinental Saigon là một điển hình cho quản lý, vận hành và ứng dụng thiết bị công nghệ để tiết kiệm năng lượng.
Khách sạn đã tích cực áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng như lắp đặt hệ thống biến tần phục vụ điều hòa không khí trung tâm, tối ưu hệ thống chiếu sáng, thông gió, sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời…
“Trong 5 năm ứng dụng các giải pháp quản lý tiết kiệm năng lượng, lượng tiêu thụ năng lượng của khách sạn giảm trung bình 6,62%/năm”, ông Phạm Tùng Thư, Giám đốc Kỹ thuật của khách sạn InterContinental Saigon, cho biết, “Chỉ tính riêng hiệu quả của việc chuyển sang sử dụng đèn LED, mỗi năm khách sạn InterContinental Saigon tiết kiệm được trên 2.5 tỷ đồng.”
Nguồn Khám Phá