Tại Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng là Việt Nam sẽ xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Vậy lối sống xanh là gì? Theo các chuyên gia SX&TDBV, lối sống xanh là khái niệm để chỉ lối sống lành mạnh, hướng đến việc bảo vệ Trái Đất và môi trường. Lối sống ấy được thực hiện thành thói quen tích cực trong cuộc sồng từ những việc nhỏ nhất đến những việc to lớn hàng ngày như không vứt rác bừa bãi, nói không với bao bì ni-lon hay sản xuất và tiêu dùng cần đảm bảo vệ sinh, giảm khí phát thải khí nhà kính,v.v… Tất cả những điều này đều đã và đang góp phần thúc đẩy SX&TDBV
Hiện nay, tại các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp, Canada…, lối sống xanh đã và đang được hiện thực hóa mạnh mẽ. Trong đó, các hành vi lối sống xanh thường biểu hiện rõ nét ở một số mặt chủ yếu sau:
Tiêu dùng giảm bớt lượng rác thải sinh hoạt
Rác thải là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến môi trường ô nhiễm nặng nề, đồng thời cũng giết chết rất nhiều loài sinh vật. Do đó, nhiều gia đình công dân các quốc gia phát triển rất ý thức việc hạn chế rác thải sinh hoạt. Điều này đã và đang mang đến những ý nghĩa to lớn cho cuộc sống. Với tầm quan trọng đó, chúng ta hãy phân loại rác trước khi vứt chúng ra ngoài. Những loại rác nào thuộc dạng hữu cơ, có khả năng phân huỷ, gia chủ nên giữ lại ủ làm phân bón cho cây, vừa tiện dụng vừa giảm bớt một lượng chất thải đáng kể…
Hạn chế đồ sử dụng một lần
Sử dụng những sản phẩm chỉ có thể dùng một lần như cốc giấy, ống hút nhựa, hộp cơm xốp, túi ni lông… đã vô tình tạo ra cho môi trường một lượng rác thải khổng lồ. Tuy nhiên, tại các quốc gia phát triển, người dân đã dễ dàng khắc phục tình trạng này bằng nhiều cách khác nhau như có thể mang theo bình đựng nước khi ra ngoài, mang cơm đi làm, sử dụng ống hút bằng kim loại, ống hút bằng tre, v.v…Việc sử dụng những đồ dùng này đã và đang góp phần rất lớn trong việc giảm lượng rác thải mỗi ngày ra môi trường đáng kể…
Thực hiện, sản xuất, tái chế những vật dụng không còn sử dụng nữa
Ở nhiều quốc gia hiện nay, một trong những việc làm quen thuộc của những người sống theo lối sống xanh chính là thường xuyên tái chế những vật dụng không còn sử dụng nữa để tạo ra những đồ vật mới. Chẳng hạn, họ có thể tái chế những chai nhựa thành nhưng sản phẩm đồ chơi, vật dụng phụ trợ việc gia đình, tái chế những chiếc hộp giấy, hộp nhựa thành chậu cây. Những chiếc chậu này không chỉ độc nhất vô nhị mà còn khiến chúng ta có thể tiết kiệm được một khoản tiền nho nhỏ nữa.
Thực hiện trồng nhiều cây xanh
Có thể nói, cây xanh như là lá phổi của nhân loại. Nó có ý nghĩa rất lớn, mang lại những lợi ích vô cùng thiết thực cho cuộc sống con người. Bởi trong một không gian có nhiều cây xanh, chúng sẽ giúp chúng ta làm trong sạch không khí, thu hút nhiều khí độc hại, khiến chúng ta sẽ cảm thấy môi trường tươi mới, xanh mát, từ đó giúp con người thư giãn, thoải mái. Đồng thời, cây xanh cũng có khả năng chắn gió, chắn bão, giữ đất,...
Có thể nói, lối sống xanh là một trào lưu mang rất nhiều ý nghĩa hữu ích. Lối sống này không chỉ giúp mỗi con người và gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ Trái Đất, bảo vệ môi trường.
Bởi vậy, tại Việt Nam, những năm qua cũng như Quyết định 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã khẳng định rõ: Việt Nam sẽ xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Do đó, theo thời gian Chiến lược đặt ra, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.
Trong Chiến lược cũng khẳng định rõ, mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom chiếm 10%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 20% và 5%; tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch tại các đô thị đặc biệt đạt ít nhất 15%; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35%; ít nhất 10 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững.
Hà Linh