Phó Giám đốc Sở Công thương Long An cho biết, là địa phương nằm ngay cửa ngõ đi đồng bằng sông Cửu Long liền kề với Thành phố Hồ Chí Minh, tiềm năng cung ứng, tiêu thụ nông sản thực phẩm tươi và chế biến của các địa phương trong cả nước là rất lớn.
Hiện tại, Long An có hơn 200 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm quy mô công nghiệp. Để giúp doanh nghiệp kết nối tốt nguồn nguyên liệu cho chế biến cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ, thời gian qua Long An đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm của Long An đến các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Long An cũng có nhu cầu kết nối tiêu thụ các sản phẩm của các tỉnh thành bạn vào thị trường Long An.
Hiện tại, các sản phẩm nông sản thực phẩm tươi và chế biến của Lào Cai, Lâm Đồng đã vào các hệ thống phân phối trên địa bàn Long An đạt kết quả khả quan.
Để đa dạng hóa các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi và chế biến phục vụ người tiêu dùng, góp phần kết nối giao thương hiệu quả, Sở Công thương Long An sẵn sàng hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk cung ứng hàng hóa vào các kênh phân phối của Long An và ngược lại các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh Long An đến với người dân Đắk Lắk.
Hội nghị kết nối giao thương có 42 doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản thực phẩm của 2 tỉnh tham dự và đã ký 14 biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối giao thương. Đây là tín hiệu tốt trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản, là nâng cao thu nhập cho người dân Long An và Đắk Lắk.
Theo Nhandan.vn