Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, hiện toàn tỉnh có hơn 12.167 ha thanh long, đạt 101,4% kế hoạch, bằng 95% so cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thanh long xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đạt hơn 80% nhưng giá cả rất bấp bênh. Trước tình trạng đó, người trồng thanh long ở Long An đã buộc phải thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản để tránh lệ thuộc vào một thị trường.
Theo đó, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, phun thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, ghi chép nhật ký sản xuất. Việc trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao mang lại lợi nhuận tăng bình quân khoảng 2,5-5 triệu đồng một ha và có nhiều đối tác trong và ngoài nước đạt hàng. Giá trị xuất khẩu hàng năm của thanh long của Tỉnh khoảng 40 triệu USD, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở địa phương.
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng và tạo đầu ra bền vững cho thanh long, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh và chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Như Trang