Thứ Sáu, 22/11/2024 16:03:49 GMT+7
Lượt xem: 1305

Tin đăng lúc 05-07-2019

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần điều chỉnh kịp thời để nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng

Ngày 01/7/2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực thi hành. Sau 8 năm thực thi, Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng (NTD), giúp giải quyết đơn khiếu nại thành công trên 85%. Tuy nhiên, trước thực trạng xâm phạm quyền lợi NTD vẫn diễn ra phổ biến và ngày càng phức tạp như hiện nay, Luật cần phải có sự điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình mới nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ NTD.
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần điều chỉnh kịp thời để nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng
Cần chung tay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thay đổi mạnh mẽ nhận thức

 

Sau 8 năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác giải quyết khiếu nại, bảo vệ NTD đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, số vụ khiếu nại liên quan đến người tiêu dùng gửi tới Bộ Công Thương tăng dần qua các năm, nếu năm 2011 chỉ là 26 vụ thì đến năm 2013 là 450 vụ và trong giai đoạn 2014-2018 là gần 1.500 vụ, với tỷ lệ giải quyết thành công trung bình năm là trên 90%.

 

Tương tự, tại Sở Công Thương các tỉnh thành, số vụ khiếu nại được tiếp nhận cũng tăng rõ rệt. Nếu năm 2011 là khoảng 100 vụ thì trong giai đoạn 2015 – 2018 đã tăng lên 500 vụ việc với tỷ lệ giải quyết thành công là 85%. Cùng với đó, số lượng các Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã có sự gia tăng đáng kể, từ 44 Hội trên cả nước vào năm 2012 lên 57 Hội vào năm 2018. Tại một số tỉnh, thành đã phát triển mạng lưới Hội xuống cấp huyện, xã.

 

Đáng chú ý, để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD, cũng như việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cũng đã được thực hiện liên tục, thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, nổi bật là đã hình thành phong trào hưởng ứng “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam” vào ngày 15/3 hàng năm. Cùng với đó đã tổ chức rất nhiều các cuộc hội thảo, tập huấn, phát hành sách báo, tạp chí, tài liệu tuyên truyền, tời rơi, phát thanh, truyền hình về công tác bảo vệ quyền lợi NTD; Tích cực tham gia nhiều tổ chức quốc tế về bảo vệ quyền lợi NTD như: Ủy ban bảo vệ NTD ASEAN (ACCP); Tổ chức Quốc tế người tiêu dùng (CI); Mạng lưới thực thi bảo vệ người tiêu dùng quốc tế (ICPEN)…

 

Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hoạt động thiết thực đã góp phần thay đổi mạnh mẽ nhận thức bảo vệ NTD, đặc biệt là nhận thức và hành động của các doanh nghiệp tại Việt Nam; đồng thời, đã tạo được nền tảng cơ bản vững chắc là hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương, mạng lưới các Hội bảo vệ quyền lợi NTD… để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi NTD tại Việt Nam.

 

 

Tăng cường kiểm tra kiểm soát hàng hóa trên thị trường

 

Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo vệ NTD

 

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song với số vụ việc khiếu nại của NTD được giải quyết hàng năm chỉ từ 1.000 – 1.500 vụ thì thấy rằng đây là số lượng rất nhỏ so với thực tế giao dịch tiêu dùng tại Việt Nam.

 

 Tại "Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các văn bản hướng dẫn”, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, trong quá trình thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các văn bản hướng dẫn đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập, đó là, vị trí của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD chưa được định vị trong quan hệ với các Luật chuyên ngành, chưa quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức khác trong việc phối hợp thực hiện. Trong khi đó, toàn bộ các quy định hiện nay vẫn chưa tính tới một số phương thức kinh doanh tiêu dùng mới, hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử và cách mạng công nghệ 4.0, do vậy đã gây khó khăn trong quá trình thực thi.

 

Ngoài ra, tại các địa phương chưa xây dựng và công bố rộng rãi các kênh thông tin hỗ trợ NTD trong quá trình khiếu nại; trong khi đó, thủ tục khiếu nại còn rườm rà, phức tạp, hệ thống ghi nhận, lưu trữ và xử lý thông tin khiếu nại chưa được hình thành, chưa tạo ra cơ sở dữ liệu về khiếu nại của NTD tại địa phương… khiến cho công tác bảo vệ quyền lợi NTD chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế.

 

Bên cạnh đó, chưa xây dựng được bộ tài liệu thống nhất về thực thi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ quyền lợi quyền lợi NTD. Đối tượng phổ biến mới chỉ tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, chưa lan tỏa tới các vùng sâu, vùng xa, chưa tiếp cận trực tiếp tới NTD, chưa có hoạt động tuyên truyền cụ thể với các nhóm đối tượng người tiêu dùng đặc thù.

 

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, theo các chuyên gia, cần có sự rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện bộ chính sách về bảo vệ quyền lợi NTD để tạo cơ sở thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD tốt hơn; Xây dựng cơ chế phối hợp, cơ chế quản lý thống nhất từ trung ương tới địa phương, cùng với đó, từng bước xây dựng, hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia và Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi NTD; Tiếp cận kịp thời khiếu nại của NTD; Đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, hiệp hội trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD.

 

Có thể thấy, trong bối cảnh khi mà quyền lợi của NTD ngày càng vi phạm nghiêm trọng, NTD đang mất dần lòng tin vào thị trường bởi tình trạng hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại, thực phẩm bẩn,… thì sự ra đời của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD chính là một bước ngoặt quan trọng trong hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam. Song, để Luật thực sự là chỗ dựa tin cậy cho NTD, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện các quy định cho phù hợp với thời kỳ mới, tăng cường kiểm tra, kiểm soát… thì cũng rất cần sự chủ động hơn nữa của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí và người tiêu dùng trên cả nước./.

 

Quỳnh Anh

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang