Sáng 16/8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Đề nghị bổ sung “dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ”
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Trước một số ý kiến đề nghị điều chỉnh tên gọi dự thảo Luật phù hợp với nội hàm phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, tên gọi “Luật Dầu khí” đã được sử dụng thống nhất trong thực tiễn hoạt động dầu khí từ khi Luật điều chỉnh về hoạt động dầu khí thượng nguồn được ban hành năm 1993 cho tới nay và được ghi nhận tại các hợp đồng dầu khí ký kết với các nhà thầu trong và ngoài nước về luật áp dụng đối với hoạt động dầu khí tại Việt Nam.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang sử dụng tên gọi Luật Dầu khí để điều chỉnh các hoạt động thượng nguồn. Quy định tại dự thảo Luật đã đủ rõ về phạm vi điều chỉnh chỉ bao gồm điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn. "Vì vậy, đề nghị giữ tên gọi dự thảo Luật như đã trình, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, liên tục của pháp luật về dầu khí" - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn; dự thảo Luật có quy định về đầu tư dự án theo chuỗi, đề nghị bổ sung “dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ” vào phạm vi điều chỉnh.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, hoạt động dầu khí thượng nguồn có đặc thù về triển khai hoạt động và gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Vì vậy, cần thiết có quy định riêng tại Luật chuyên ngành.
Thực tế Luật Dầu khí hiện hành cũng đang xác định phạm vi điều chỉnh là hoạt động dầu khí thượng nguồn. Đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thực hiện theo quy định tại các luật có liên quan; trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc.
Việc thiết lập chuỗi giá trị dầu khí từ tìm kiếm thăm dò đến chế biến dầu khí được thực hiện thông qua công tác lập, triển khai quy hoạch năng lượng và các quy hoạch khác có liên quan, bảo đảm tính tổng thể.
Đối với dự án dầu khí theo chuỗi, để tránh nhầm lẫn chuỗi giá trị dầu khí và chuỗi đồng bộ hoạt động dầu khí thượng nguồn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, quy định rõ tại khoản 1 Điều 41 về nội dung này.
Có ý kiến đề nghị không quy định kinh phí điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn ngân sách nhà nước. Ý kiến khác đề nghị phân định rõ trường hợp bố trí chi phí từ ngân sách nhà nước; đối với hoạt động của doanh nghiệp thì doanh nghiệp tự cân đối.
Ông Vũ Hồng Thanh cho hay, công tác điều tra cơ bản về dầu khí là nhiệm vụ điều tra, khảo sát ban đầu phải thực hiện để đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Khi phê duyệt danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí sẽ xác định cụ thể về nguồn kinh phí đối với mỗi đề án.
"Tuy nhiên, công tác này có tính rủi ro cao, nhu cầu vốn lớn, cần huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân khác ngoài nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện" - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, đồng thời thông tin, khoản 4 Điều 9 đã quy định cụ thể trách nhiệm phê duyệt, kiểm tra, giám sát của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan.
Đối với kinh phí của PVN thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, khoản 1 Điều 63 dự thảo Luật đã quy định chi phí này được thanh toán bằng nguồn lợi nhuận sau thuế của PVN.
Các quy định về hợp đồng dầu khí đã được rà soát, hoàn thiện
Về hợp đồng dầu khí (Chương IV dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về tiếp nhận quyền tham gia từ nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp hợp đồng dầu khí bị hủy; đề nghị thiết kế thành một khoản riêng quy định về nội dung này.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng tách nội dung này thành khoản 2 Điều 37 dự thảo Luật. Tại phiên họp thứ 12 (tháng 6/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về cơ chế quản lý đối với tài sản là quyền lợi tham gia tiếp nhận từ nhà thầu nước ngoài tại Dự án dầu khí Lô 07/03 và Lô 135&136/03 theo hướng giao Chính phủ ban hành Nghị định về nội dung này.
Vì vậy, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị giữ nội dung quy định tại khoản 4 Điều 37 dự thảo Luật theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết về chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt việc thực hiện quyền tham gia, quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia và nhận chuyển giao toàn bộ quyền, quyền lợi và nghĩa vụ tham gia của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí; cơ chế quản lý, theo dõi, sử dụng, xử lý tài chính đối với tài sản và tiếp nhận quyền lợi tham gia từ nhà thầu.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị rà soát các quy định của các luật có liên quan về hợp đồng để bảo đảm sự thống nhất, nếu quy định về hợp đồng dầu khí là đặc thù thì đề nghị có Luật riêng quy định.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, các quy định về hợp đồng dầu khí đã được rà soát, hoàn thiện. Trong đó, đối với quy định về tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu trước khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn, xin chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng: Bổ sung Điều 38 quy định về (nhà đầu tư đang thực hiện hợp đồng dầu khí) đề xuất hợp đồng dầu khí mới trước khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn; quy định về việc xem xét, phê duyệt chỉ định nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí mới trong trường hợp này và về việc sử dụng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã được lắp đặt, đầu tư trong cùng diện tích hợp đồng.
Đồng thời, bổ sung tương ứng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 19 về trường hợp chỉ định thầu. Bổ sung, chỉnh sửa quy định tại Điều 39 về tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu khí hợp đồng dầu khí hết thời hạn; giao Chính phủ quy định chi tiết về một số nội dung cụ thể.
Về chính sách ưu đãi trong hoạt động dầu khí (Điều 53 dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu để có chính sách ưu đãi khác hiệu quả hơn.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, hiện tại, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực thượng nguồn, các quốc gia trên thế giới đều áp dụng các ưu đãi tài chính về thuế tài nguyên, thuế thu nhập, thuế xuất khẩu và thu hồi chi phí. Các chính sách về cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện… là những định hướng, chính sách chung của Nhà nước đối với tất cả các lĩnh vực.
Đối với cơ chế giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và cơ chế giảm trừ thuế dựa trên chi phí, khi thực hiện hoạt động dầu khí theo hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC), nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí đã được đề xuất và thỏa thuận về mức thu hồi chi phí khi ký kết hợp đồng dầu khí; đây là các chi phí nhà thầu sẽ được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Phân định rõ hai tư cách của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
Về chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí (Chương IX dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị hoàn thiện thêm để phân định rõ hai tư cách của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là nhà thầu độc lập và thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh sửa theo hướng: Sửa đổi quy định tại Điều 59 tách bạch rõ các chức năng của PVN; rà soát, sửa đổi Điều 60 và Điều 61 quy định về quyền và nghĩa vụ của PVN.
Đồng thời, chỉnh sửa nội dung quy định tại Điều 62 về phê duyệt việc sử dụng vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong hoạt động dầu khí. Bên cạnh đó, bổ sung quy định tại điểm g khoản 2 Điều 64 về trách nhiệm của Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, giám sát việc thực hiện của PVN theo quy định của Luật, bảo đảm chặt chẽ.
Về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí (Chương X dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị rà soát, quy định những nội dung có tính đặc thù; quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan; quy định cụ thể và phân nhiều quyền hơn cho Bộ Công Thương là cơ quan quản lý chuyên ngành.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã rà soát, chỉnh sửa tương ứng tại Điều 64 về trách nhiệm quản lý nhà nước về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí và chỉnh sửa quy định tại Điều 45 về thẩm quyền của Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí (ODP), thống nhất với quy định về Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí (EDP) và kế hoạch phát triển mỏ dầu khí (FDP).
Theo Congthuong